Kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3): Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam

Nguyễn Văn Toàn| 07/03/2022 17:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”.

Sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lenin rất quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Friedrich Engels (Ăng-ghen), nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Karl Marx đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới, nhận định trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” rằng: “Một sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới và khi công việc nội trợ riêng trong gia đình đã trở thành một nền công nghiệp xã hội”[1] và “Đặc tính của sự thống trị của người chồng đối với người vợ trong gia đình hiện đại và sự tất yếu phải xác lập sự bình đẳng xã hội thật sự giữa hai bên, cũng như phương thức xác lập sự bình đẳng ấy, chỉ bộc lộ ra hoàn toàn rõ ràng một khi mà cả vợ chồng đều bình đẳng trước pháp luật”[2]

Theo Vladimir Lenin, lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản, người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels, thì việc giành quyền bình đẳng cho phụ nữ không chỉ ghi nhận trong văn bản mà còn phải thực hiện. Do đó, Vladimir Lenin kêu gọi: “chúng ta phải làm sao cho nữ công nhân giành được bình đẳng với nam công nhân không những về mặt pháp luật, mà cả trong thực tế đời sống nữa”[3]. Vladimir Lenin cũng khẳng định: “Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ”[4].

Kế thừa và áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin trong tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần giành cho được độc lập, tự do cho dân tộc thì người phụ nữ mới được giải phóng. Người khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”[5]. Bởi vậy, trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta (2/9/1945), Người không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Người thì viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”[6].

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx – Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn người phụ nữ. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người đã dẫn lại lời Karl Marx: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời Vladimir Lenin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”[7].

Trong bài “Nam nữ bình quyền” viết ngày 8/3/1952, nói về việc giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó... Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, vǎn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”[8].

Ngày 9/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[9].

Sau đó, về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – quê hương của chị Hai Năm tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lenin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”[10].

Tại một buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”[11]. Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”[12].

Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[13].

Theo lời Bác căn dặn

Chỉ có giữ vững và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta mới thành công. Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng”[14]. Người nhận định: “Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[15].

Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Marx – Lenin và căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa. Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”[16].

Trong 92 năm qua (1930-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta đã tiến một bước dài chưa từng có. Trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được ưu tiên như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Khoản 2 Điều 26); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Khoản 2 Điều 36); “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình” (khoản 2 Điều 58).

Trong Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chính phủ ta đã xác định mục tiêu cụ thể trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ xuống còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới…

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ta cũng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”[17].


[1] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31

[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31

[3] V.I.Lênin:Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 182-183

[4] V.I.Lênin:Toàn tập, tập 40, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 183

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 112

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 1

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 288

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010,  tr. 324

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009,  tr. 296

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009,  tr. 195

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 256

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 617

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 24

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 20                                                  

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 169

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3): Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO