Kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ Đô (10/10/1954- 10/10/2021): Vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội

Quỳnh Hương| 10/10/2021 07:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đó là bác sỹ Trần Duy Hưng, người xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội khi mới 33 tuổi, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị. Ông cũng là người đảm nhiệm cương vị này lâu nhất trong lịch sử chính quyền Hà Nội sau cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Bác sĩ Trần Duy Hưng vẫy chào nhân dân Hà Nội trong Ngày giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954

Bác sỹ Trần Duy Hưng sinh năm 1912, trong một gia đình yêu nước có truyền thống hiếu học. Ông từng là học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 10/1945. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Trần Duy Hưng là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V.

Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội ngày 19/8/1945, ít ngày sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về đến Hà Nội. Người bắt tay ngay vào xây dựng hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến địa phương. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, Người đã dành sự quan tâm rất đặc biệt. Người mong muốn Thủ Đô phải đi đầu trong việc xây dựng chính quyền mới DCND vừa mới được ra đời ở nước ta, mỗi người dân Hà Nội phải là những người đầu tiên nhận thức rõ niềm vinh dự và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của Thủ đô và của cả nước.

Sau này nhớ lại mình trở thành “Thị trưởng” thành phố Hà Nội, bác sỹ Trần Duy Hưng kể lại:

“Tháng Tám năm 1945, từ Tân Trào về Hà Nội được hai ngày, trong khi bận biết bao nhiêu việc lớn, Bác đã cho gọi tôi và đồng chí Khuất Duy Tiến lên nhà 48 Hàng Ngang nơi Bác viết bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Bác nói:

- Bác được biết Đoàn thể đã tín nhiệm chú làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính thành phố, chú Tiến làm Phó chủ tịch, ý kiến các chú thế nào?

  Tôi nói:

- Thưa Bác, cháu nghĩ nếu Đoàn thể giao cho cháu làm công tác y tế, cháu cố gắng làm tốt; còn làm Chủ tịch thành phố, cháu thấy khó quá.

   Bác cười

- Thế Bác đã bao giờ làm Chủ tịch nước đâu. Nhưng dù làm Chủ tịch nước, Chủ tịch thành phố hay gì đi nữa, Bác cháu ta cũng phải hiểu rằng: Mình không phải là ông quan cách mạng, mà là những người đày tớ trung thành của nhân dân.

Sau đó Bác quay sang nói về truyền thống vẻ vang của Thăng Long, Đông Đô, của thành “ Hoàng Diệu” và bảo chúng tôi hãy làm việc như thế nào cho xứng đáng với Thủ Đô anh dũng, kiên cường” ( Trần Duy Hưng, Bác Hồ với nhân dân Hà Nội - “Kỷ niệm về Bác”, Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm và biên soạn, NXB Thông Tấn. H. 2005, Tr.220-221).

59 năm từ ngày Thủ Đô giải phóng, thành phố Hà Nội đã trải qua nhiều nhiệm kỳ với nhiều vị Chủ tịch đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Thủ Đô và đất nước. Riêng đối với Chủ tịch Trần Duy Hưng ông đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong lịch sử chính quyền Hà Nội sau cách mạng tháng Tám năm 1945.

Như chúng ta biết, khi Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội chính thức ra đời ngày 30/8/1945, Ông Trần Duy Hưng được Bác Hồ đề nghị làm Chủ tịch. Tháng 6/1946, trong cuộc bầu cử chính quyền thành phố, ông chính thức được nhân dân bầu giữ chức vụ này. Thế là Ông, người đã từ chối không nhận lời mời của Chính phủ Trần Trọng Kim làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên sau sự kiện 9/3/1945, nay được nhân dân bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, cả Hà Nội, cả nước bước vào cuộc kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian kháng chiến Chủ tịch Trần Duy Hưng đã được giao giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, rồi Thứ trưởng Bộ y tế.

Kháng chiến thắng lợi, ngày 10/10/1954 Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở vể Thủ đô. Trong ngày lịch sử vẻ vang này nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước chắc chắn sẽ còn nhớ mãi mãi hình ảnh bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban, cùng thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố dẫn đầu Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản thành phố Hà Nội. 15 giờ chiều ngày lịch sử đó, hàng chục vạn nhân dân thành phố Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Ngay sau lễ chào cờ đó, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bà Hà Nội nhân dịp Thủ đô được giải phóng. “ Tám năm qua chính phủ phải xa rời Thủ đô để đi kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui sướng khôn xiết kể”.

Năm ngày sau cuộc mít tinh trọng thể ấy, ngày 16/10/1954, bác sỹ Trần Duy Hưng dẫn đầu đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ phủ. Trước khi có bài chính thức, Bác Hồ nói với Đoàn đại biểu: Đã tám năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau. Nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là sản xuất, khôi phục sản xuất. Nếu mọi người thực sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về, thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên. Người mong muốn mọi ngành hoạt động của Hà Nội lúc này và mãi mãi về sau đều làm gương mẫu, dẫn đầu cho nhân dân cả nước trong việc củng cố hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà.

Đối với Chủ tịch Trần Duy Hưng và nhân dân Hà Nội, lời Bác là tình cảm thiêng liêng, và cũng là mệnh lệnh. Từ tháng 11 năm giải phóng Thủ Đô đó, bác sỹ Trần Duy Hưng là Chủ tịch lâm thời rồi Ông chính thức lại được bầu vào cương vị này. Ông đã góp phần quan trọng thực hiện lời Bác dạy, kiến thiết, xây dựng Thủ Đô trở thành pháo đài của CNXH.

Một điều rất đặc biệt là ông Trần Duy Hưng đã giữ chức vụ Chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội suốt trong 23 năm. Có nghĩa là trong 15 năm cuối đời Bác Hồ sống và làm việc tại Hà Nội từ 1954 đến 1969, Ông luôn ở cương vị Chủ tịch thành phố. Trong sự quan tâm đặc biệt của Người đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, Bác sỹ Trần Duy Hưng nhiều lần được gặp và trực tiếp nghe và truyền đạt lời Bác tới nhân dân Thủ đô. Sau khi Bác Hồ qua đời năm 1969, ông Trần Duy Hưng vẫn tiếp tục là Chủ tịch thành phố Hà Nội 8 năm nữa cho đến khi Ông nghỉ hưu năm 1977.

Bác sỹ Trần Duy Hưng mất năm 1988. Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng, Ông đã được Đảng và Nhà nước quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đặc biệt để khắc sâu hình ảnh vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô, tháng 1/1999 thành phố Hà Nội dã quyết định đặt tên đường phố Trần Duy Hưng. Đây không chỉ là niềm tự hào, lòng biết ơn, mà còn là sự tri ân của nhân dân Thủ đô đối với vị Chủ tịch đầu tiên- bác sỹ Trần Duy Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 67 năm giải phóng Thủ Đô (10/10/1954- 10/10/2021): Vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO