Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm

Thu Trang| 07/09/2020 10:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây được cho là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) khá dồi dào, trong khi do tác động của đại dịch COVID-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm.

Bản tin Tổng hợp kinh tế - tài chính tuần từ ngày 31/8 - 4/9/2020 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố cho biết, vấn đề trên thị trường tài chính trong nước được nhắc đến nhiều trong tuần qua là việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động, nâng kỳ vọng của thị trường vào việc cắt giảm lãi suất tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng…

Số liệu cập nhật từ thị trường cho thấy, tuần qua, các ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,4%/năm, tập trung vào các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng.

Cụ thể, nhóm bốn NHTM lớn (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) giảm lãi suất huy động đến 0,2%/năm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, Vietcombank và Agribank đều giảm từ 0,2 - 0,3%/năm so với đầu tháng.

Các NHTM cổ phần tầm trung cũng giảm lãi suất huy động, nhất là ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trước đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại NHTM đã giảm trong tháng 8/2020.

Bản tin cũng cho biết, các ngân hàng lớn nêu trên giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,7% xuống 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4% xuống 3,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 4,6% xuống 4,50%/năm...

“Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây được cho là do thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, trong khi do tác động của đại dịch COVID-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm. Đến thời điểm này, tốc độ tăng của huy động vốn của toàn hệ thống đang cao hơn tốc độ tăng của tín dụng, các ngân hàng khá nhiều vốn nhàn rỗi”, bản tin của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của MSB viết.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm khiến nhiều người có thể cho rằng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn. Đáng chú ý, thị trường vàng “dậy sóng” thời gian gần đây khi đạt đỉnh 2.080 USD/ounce và đang duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Giá vàng trong nước có thời điểm vượt trên 60 triệu đồng/lượng, hiện vẫn trên 56 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn tiền tiết kiệm vẫn tiếp tục được đổ vào ngân hàng. Điều này được chứng minh qua tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng trong 8 tháng đầu năm nay.

Mặc dù có nhà đầu tư chạy theo vàng và một số tài sản sinh lời khác trong thời gian qua nhưng phần lớn các chuyên gia nhận định, tâm lý chung của người dân vẫn ở thế “thủ”, chứ không phải chỉ chú ý tới sinh lời trong thời điểm khó khăn này. Đó là lý do nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng bất chấp vàng cao giá.

Các chuyên gia nhận định, khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia chủ trương kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… những tháng cuối năm nay, các TCTD sẽ có xu hướng giảm lợi nhuận biên, để giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Nhận định trong bản tin, các chuyên gia của MSB cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm, cộng thêm dịch bệnh trong nước được kiểm soát khá tốt, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa giao thương trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cầu tín dụng tăng. Tuy vậy, mức độ cải thiện tín dụng sẽ không lớn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng đầu tư.

Bên cạnh những tín hiệu trên, các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ tăng nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng. Trong báo cáo cập nhật về ngành Ngân hàng mới công bố, khối phân tích tại SSI Research cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5 - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11 - 14%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về mức độ gia tăng của nợ xấu. Theo SSI, nếu COVID-19 được kiểm soát giữa năm 2021, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.

SSI ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% trong năm 2020 và 14% trong 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019). Ngoài ra, các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các NHTM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO