Liệu giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại?

Hoàng Nguyễn| 05/09/2021 09:42
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước bối cảnh biến thể Delta ngày càng lan rộng, làm gia tăng lo ngại trên thị trường về sự suy giảm của nhu cầu nguyên liệu, song bên cạnh đó lại là các yếu tố tích cực trong ngắn hạn, tâm lý thị trường lạc quan của nhà đầu tư và sự gián đoạn trong sản xuất dầu của Mexico cũng như những tín hiệu kỳ vọng trong dài hạn, liệu giá dầu có quay trở lại tăng mạnh mẽ trong tương lai?

Giá dầu thô đã giảm mạnh từ giữa tháng 3/2020, do những tác động của COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, từ mức cao kỷ lục ở ngưỡng 100 USD/ thùng ở năm 2014, giá dầu thô Mỹ WTI giao ngay đã có thời điểm rơi xuống mức âm. Trước bối cảnh biến thể Delta ngày càng lan rộng, làm gia tăng lo ngại trên thị trường về sự suy giảm của nhu cầu nguyên liệu, bên cạnh đó là các yếu tố tích cực trong ngắn hạn, tâm lý thị trường lạc quan của nhà đầu tư và sự gián đoạn trong sản xuất dầu của Mexico cũng như những tín hiệu kỳ vọng trong dài hạn, liệu giá dầu có quay trở lại tăng mạnh mẽ trong tương lai?

 

 

  1. Sự biến động của dầu mỏ trong ngắn hạn

Giá dầu thô vừa qua đã giảm trong 7 ngày liên tiếp, giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent lẫn lượt xuống dưới mức 62 USD và 65 USD/ thùng vào ngày 23/8, đây mức thấp nhất trong gần ba tháng vừa qua dưới sự tác động của các yếu tố tiêu cực trong ngắn hạn.

Nhu cầu nhiên liệu bị giảm khi nhiều quốc gia trên thế giới đã phải đối phó với sự bùng phát của biến thể Delta bằng cách thắt chặt các hạn chế đi lại. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn, chính sách” không khoan nhượng” của nước này đối virus đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu vận tải, và các biện pháp như vậy trước mắt sẽ làm chậm sự phục hồi của nhu cầu dầu thô. Theo Bloomberg News, sau đợt bùng phát virus mới, các hãng hàng không Trung Quốc có kế hoạch khai thác các chuyến bay trong tháng 8 ở mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay. Nhiều công ty lớn của Mỹ cũng đã trì hoãn việc đưa công nhân trở lại văn phòng vì lo ngại làn sóng dịch từ chủng mới Delta.

Trong các báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đều bày tỏ lo ngại về biến thể Delta, do các nước tiêu thụ dầu thô lớn, đặc biệt là ở châu Á tái thực hiện các hạn chế do dịch bệnh. Nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 theo ước tính của Refinitiv Oil Research là 22,59 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 23,78 triệu thùng/ngày ở tháng 6/2021 và 23,04 triệu thùng/ngày ở tháng 5.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô suy yếu trong ngắn hạn, nhưng các nước sản xuất dầu OPEC+ trước đó đã thống nhất tăng thêm sản lượng là 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 đến hết năm nay và trước mắt sẽ không có sự điều chỉnh gì thêm. Chính phủ của tổng thống Biden cũng đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu nhằm hạn chế giá dầu đang leo thang ổn định hơn vào hôm 12/8 vừa qua. Cố vấn An ninh Nhà trắng, ông Jake Sullivan cho rằng, việc tăng sản lượng trên của OPEC+ là không đủ đáp ứng nhu cầu khi Mỹ và châu Âu giảm bớt các biện pháp hạn chế cho COVID gây ra cũng như không bù đắp hoàn toàn cho việc cắt giảm trước đó. Động thái này của Mỹ, không chỉ đi ngược lại lập trường của chính quyền Biden trước đó về biến đổi khí hậu, mà còn làm dấy lên những đồn đoán về các biện pháp kiểm soát của chính phủ Mỹ có thể được áp dụng khi giá dầu tăng quá cao và có thể gây ảnh hưởng lớn đến lạm phát của nước Mỹ.

Mặt khác, sự vững mạnh của đồng đô la Mỹ trong thời gian gần đây cũng tác động không nhỏ đến giá dầu. Những ám chỉ gần đây từ Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, rằng họ có thể giảm chương trình mua trái phiếu vào cuối năm, FED cũng có thể giảm lãi suất vào cuối năm nay và tăng lãi suất vào năm tới, điều này sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh cho đồng đô la. Trước đó trong cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, chủ tịch của FED cũng đã nhấn mạnh: "Lạm phát đã gia tăng đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trước khi được điều chỉnh. Lạm phát đang tạm thời được thúc đẩy bởi các hiệu ứng cơ bản khi giá cả liên quan đến đại dịch tăng mạnh từ mùa xuân năm ngoái. Nhu cầu mạnh mẽ trong khi xuất hiện nhiều điểm nghẽn và nút thắt về cung đã dẫn đến việc tăng giá nhanh chóng đối với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này sẽ đảo ngược một phần khi tác động của tắc nghẽn giảm bớt. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang còn một chặng đường dài phía trước để trở lại trạng thái toàn dụng lao động sau đại dịch COVID-19, vì vậy FED đảm bảo rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn". Với những chính sách này cho thấy đồng đô la sẽ được FED tích cực hỗ trợ trong thời gian tới.

Những tín hiệu kể trên chỉ ra rằng sự ổn định của giá dầu trong thời gian tới là rất khó lường, sự phụ thuộc của cung và cầu của dầu trên thế giới hoàn toàn có thể biến động lớn trong một giai đoạn ngắn hạn. Kéo theo giá dầu sẽ tăng và giảm một cách thất thường khi tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn này vô cùng nhảy cảm trước các thông tin, dù chỉ là đồn đoán.

  1. Sự phục hồi của dầu mỏ đến từ những tín hiệu dài hạn

Với những mối đe dọa về nhu cầu sử dụng dầu thô trong tương lai do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, OPEC+ có thể sẽ không gia tăng sản lượng sớm hơn như kế hoạch trước đó, ngoài việc tăng thêm 400.000 thùng mỗi ngày từ tháng 8/2021 đã được thông qua trong cuộc họp ngày 18/7 vừa qua nhằm phân phối lại mức xuất khẩu cho các nước OPEC+ và các nước đồng minh.

Mặc dù chính quyền của ông Biden đã thúc giục các nước OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá dầu xuống, nhằm giảm lạm phát cho nước Mỹ, và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao ở Mỹ hiện nay. Nhưng điều này lại hoàn toàn không có lợi cho kinh tế các nước OPEC+. Theo Reuters, các nước OPEC+ và đồng minh của họ bao gồm Nga tin rằng, nhu cầu của thị trường dầu thô sẽ không nhiều hơn sản lượng mà họ đã dự kiến xuất ra thị trường trong các tháng tới. Thực tế cho thấy, Mỹ đang lấy OPEC+ là một phần làm biện minh cho sự lạm phát ở nước này, khi chính phủ Mỹ đã in ra hàng tỷ đô la trong thời gian ngắn vừa qua để thực hiện các gói cứu trợ.

Kể từ khi thành lập trong gần 5 năm trở lại, mục tiêu của cartel này là duy trì giá dầu thô ở mức đủ cao cần thiết để đảm bảo nguồn kinh phí cho các chương trình kinh tế của các quốc gia thành viên. Nguồn thu từ dầu mỏ của các nước này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập chính của quốc gia (Nga: 50%, Ả rập Saudi: 75%, Iraq: 95%). Ngoại trừ việc nhu cầu dầu thô bị giảm do đại dịch COVID năm 2020, thì nhóm này hoạt động khá hiệu quả cho mục tiêu này.

Mặc dù vậy, sự lạm phát cực đoan của Mỹ cũng có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu toàn cầu. Do đó, kế hoạch của OPEC+ cũng sẽ tránh tác động đến lạm phát ở Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ và Iran đang rơi vào bế tắc nên dường như các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt nhằm hạn chế nguồn cung dầu thô của Iran sẽ khó lòng dỡ bỏ trong nay mai, do đó khả năng lượng lớn dầu thô Iran chảy vào thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.

Những thành quả đạt được trong công tác phòng chống dịch như tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới tăng lên; Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hoàn toàn cho vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech; tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sáng sủa hơn khi đất nước này không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, theo báo cáo của nước này thì chỉ có 20 ca nhiễm mới trong ngày 24/8, giảm so với mức 35 ca một ngày trước đó.

Trong một diễn biến khác, sản lượng dầu thô của Mexico giảm mạnh do một vụ nổ giàn khoan Ku-Alpha ở mỏ dầu Ku-Maloob-Zaap ngoài khơi bờ biển Tabasco và Campeche trên Vịnh Mexico vào ngày 22/8 vừa qua. Sự cố này đã khiến sản lượng dầu thô của Tập đoàn dầu khí quốc gia Mexico Pemex giảm 444.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần trước tổng sản phẩm trung bình do Mỹ cung cấp trong bốn tuần, thước đo nhu cầu nhiên liệu, đã tăng lên gần 21 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, thời điểm các chính phủ lần đầu tiên bắt đầu áp dụng rộng rãi các hạn chế liên quan đến đại dịch. Các nhà máy lọc dầu đã tăng sản lượng lên 92,4% công suất có thể hoạt động, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2021, giúp đưa lượng dầu dự trữ trong các kho của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.Tuần trước, EIA cho biết dự trữ dầu thô đã giảm 3 triệu thùng xuống 432,6 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Dự trữ xăng đã giảm 2,2 triệu thùng, vượt mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,6 triệu thùng.

Một trong những yêu tố được đánh giá là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá dầu trong thời gian tới khi lượng cung có khả năng sẽ không đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của thị trường khi dịch bệnh qua đi. Kể từ khi nhu cầu sử dụng xăng, dầu thấp kỷ lục do dịch bệnh, các công ty liên quan đến chế biến các sản phẩm từ dầu mỏ đã phải giảm hết công suất, nhân lực. Việc vận hành trở lại cần nhiều thời gian và tiền bạc Mặt khác, dòng tiền của các nhà đầu tư đã rút khỏi các công ty này mà đổ vào các công ty nhóm ngành công nghệ, y tế, nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu,...  trong thời gian dịch bệnh. Thậm chí, Chesapeake Energy Corp, một trong những công ty dầu đá phiến lớn nhất Mỹ đã phải tuyên bố phá sản. Theo Giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, ông Darren Woods, cắt giảm nguồn đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu mỏ thời gian qua sẽ có tác động lớn đến nguồn cung, làm cán cân cung cầu bị lệch về cầu tiêu thụ khi các nền kinh tế bắt đầu bước vào phục hồi tăng trưởng.

Với những tín hiệu trên, xu hướng của giá dầu sẽ đi lên trong thời gian tới và thậm chí sẽ quay lại ngưỡng 100 USD/thùng cũng không phải là điều viển vông. Tuy nhiên, về lâu dài, nguồn năng lượng sạch đang dần dần thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch này. Trong tương lai, con người sẽ không còn quá phụ thuộc vào vàng đen. Nhưng từ giờ đến lúc đó, loại tài nguyên lâu đời này sẽ còn thiết lập thêm những kỷ lục của mình hay không, chúng ta hay cũng chờ câu trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu giá dầu mỏ sẽ tăng trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO