Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đó là nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn tại buổi Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra sáng ngày 19/2.
Tại buổi họp báo, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua ngày 18/1/2023.
Về Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật được kết cấu gồm 15 chương 210 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Luật đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân;
Luật cũng hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; Luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Nhằm đảm bảo các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, trong đó đối với Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến có 2 Nghị định và 4 Thông tư quy định chi tiết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hoàn thiện dự thảo Kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có một số điểm mới như: giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng.
"Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng. Như vậy, quy định mới tạo ra kênh giám sát từ công chúng trong đó có cả phương tiện truyền thông với người chủ sở hữu cũng như người quản trị điều hành của tổ chức tín dụng", Phó thống đốc nói.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí…; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành cũng như nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân…
Bên cạnh đó, để phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hợp nhất Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện ở trong nước của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Việc hợp nhất các Giấy phép và thủ tục này nhằm giảm bớt thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết thêm, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc hiện đang được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngân hàng chính sách như: quy định về thành lập và hoạt động của ngân hàng chính sách, quy định về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước, vốn điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách… Đối với các nội dung cụ thể, Luật giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với tính chất, mô hình hoạt động của từng ngân hàng chính sách.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Luật, qua đó hạn chế tác động lớn tới thị trường khi Luật có hiệu lực.
Cùng với Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại buổi họp báo sáng nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng đã giới thiệu một số điểm mới của Luật đất đai (sửa đổi).
Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều; luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách. Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thể chế hóa nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có những điểm mới nổi bật liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, người sử dụng đất, phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất và các hành vi bị nghiêm cấm; Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất…
Đối với các quy định về tài chính đất đai, giá đất, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/1 của năm tiếp theo.
Nhằm đảm bảo các quy định của Luật được triển khai hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.