Pháp luật - Nghiệp vụ

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng

Quỳnh Lê 21/01/2025 - 10:43

Công tác thi hành án dân sự đối với các khoản nợ tín dụng ngân hàng và các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024.

Chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Trong năm 2024, công tác thi hành án dân sự đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó có, kết quả thu hồi cho các tổ chức tín dụng ngân hàng năm 2024 có chuyển biến tích cực, toàn hệ thống đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng 30.544 tỷ 274 triệu 403 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 23,13% về việc, 25,01% về tiền), tăng 1.289 việc, tăng 9.279 tỷ 295 triệu 479 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Để đạt được kết quả như trên, Bộ Tư pháp đã tổng kết, đánh giá toàn diện Luật thi hành án dân sự, từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành có vướng mắc. Đồng thời, chủ trì tham mưu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; chủ trì thẩm định và tích cực góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế nói chung, nội dung về thi hành án dân sự nói riêng; tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc cấp bách trong quá trình tổ chức thi hành án và trình Chính phủ ngày 29/10/2024.

Bên cạnh đó, xác định thi hành án tín dụng ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch, thường xuyên quán triệt, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành án theo đúng quy định của pháp luật; chủ động theo dõi, kiểm tra, xử lý các vụ việc có điều kiện thi hành, triển khai các quy định mới có liên quan[1], đặc biệt là chỉ đạo phân cấp quản lý, giao chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án tín dụng ngân hàng[2].

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các tỉnh/thành phố bằng nhiều hình thức linh hoạt; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có liên quan hoàn thiện thể chế[3]; tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm[4] nhằm trao đổi, chia sẻ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức tín dụng ngân hàng, thường xuyên phối hợp với Hội sở các Ngân hàng như PVcombank, Agribank,…tổ chức đối thoại giải quyết các vụ việc cụ thể. Đồng thời, rà soát toàn bộ các vụ có vướng mắc, đề nghị phối hợp[5] giải quyết các vấn đề như chuyển giao giấy tờ, cung cấp thông tin, thỏa thuận thi hành án; giải chấp tài sản; .... trong quá trình tổ chức thi hành án.

Mặt khác, trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo hoàn thiện thể chế liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm, thành lập “Tổ nghiên cứu, rà soát hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm” để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

Như vậy, kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2024 đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp thẳng thắn nhìn nhận, thể chế về thi hành án dân sự vẫn có quy định còn chưa rõ ràng[6], gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. Công tác phối hợp giữa các TCTD/VAMC với các cơ quan thi hành án dân sự, giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan ban ngành có liên quan có nơi, có lúc chưa hiệu quả, kịp thời.

Tập trung thực hiện 3 giải pháp trọng tâm

Thi hành án tín dụng ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, Bộ Tư pháp đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, về công tác hoàn thiện thể chế. Tập trung tham mưu xây dựng dự thảo Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) theo lộ trình, trong đó có nhiều định hướng sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành án tín dụng ngân hàng.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, để đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về biện pháp bảo đảm nói chung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Thứ hai, về công tác phối hợp, tiếp tục chủ động phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vụ việc kinh doanh, thương mại.

Thứ ba, về công tác chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình thực tiễn, phát huy hiệu quả hoạt động năm 2024, xây dựng Kế hoạch năm 2025. Tập trung chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định liên quan đến tín dụng ngân có điều kiện thi hành, trên 01 năm chưa thi hành xong, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, các địa bàn trọng điểm, tỷ lệ thi hành án tín dụng ngân hàng thấp.

Chú trọng công tác hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Tăng cường công tác tự kiểm tra trong hệ thống thi hành án dân sự, công tác kiểm tra, phúc tra đối với công tác thi hành án dân sự nói chung, thi hành các bản án kinh doanh, thương mại nói riêng.


[1] Công văn số 3794/TCTHADS-NV1 ngày 10/10/2023 và Công văn số 508/TCTHADS-NV1 ngày 05/02/2024 Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2023). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

[2] Ban hành Công văn số 1840/TCTHADS- NV1 ngày 14/5/2024 chỉ đạo cơ quan THADS tập trung tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng.

[3] Lập đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi), sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; góp ý, thẩm định hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản có liên quan, ….

[4]Tọa đàm tại TP. Hồ Chí Minh ngày 14/12/2023; tọa đàm tại Quảng Ninh ngày 23/8/2024.

[5] Công văn số 3530/TCTHADS-NV1 ngày 10/9/2024.

[6] Quy định về “đã được đăng ký” theo khoản 1 Điều 46 Luật đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO