(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đầu năm 2021, Mastercard và Pine Labs sẽ tung giải pháp “trả sau” tích hợp ra 5 thị trường ở Đông Nam Á để giúp người tiêu dùng có thể linh hoạt sử dụng dịch vụ trả góp không lãi suất khi mua hàng, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời kết nối các ngân hàng, công ty Fintech, cổng thanh toán và nhà sản xuất thiết bị với một giải pháp tài chính thay thế đang phát triển nhanh chóng.
Được biết, giải pháp này sẽ được triển khai tại thị trường Thái Lan và Philippines vào tháng 2, sau đó là Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Với nền tảng là tầng lớp trung lưu sử dụng công nghệ số tăng trưởng nhanh, cộng với hơn một nửa thị phần vay tiêu dùng trên thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, công ty fintech và người cho vay, đảm bảo sự linh hoạt và tiện lợi cho người tiêu dùng khi được trả góp cho nhiều sản phẩm như TV, thiết bị và các món hàng khác lớn hơn.
|
Nghiên cứu của Mastercard cho thấy 43% người tiêu dùng trong khu vực này sẽ sẵn lòng tăng chi tiêu thêm ít nhất 15% nếu được áp dụng trả góp.
Trả góp liên kết thẻ là hình thức phổ biến áp dụng cho thẻ tín dụng ở khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, giải pháp của Mastercard và Pine Labs còn rộng hơn thế. Giải pháp này cho phép trả góp qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và tài khoản ngân hàng tại cả cửa hàng ngoại tuyến lẫn trực tuyến. Người cho vay và người bán đều hưởng lợi nhờ tiếp cận mạng lưới trả góp một cách đơn giản thông qua một điểm duy nhất dễ dàng tích hợp và mở rộng quy mô nhanh chóng.
“Lựa chọn ‘trả sau’ mang tới cho người tiêu dùng sự linh hoạt để có thể quản lý dòng tiền của mình tốt hơn với phương án trả góp tại điểm bán hàng. Đối với người bán, việc chấp nhận trả góp khi thanh toán có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, tăng giá trị của món hàng, giảm tỷ lệ bỏ lại giỏ hàng và đem lại doanh thu cao hơn”, ông Sandeep Malhotra, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Sản phẩm và Đổi mới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard cho biết.
“Phương án trả góp bổ trợ cho các chương trình thanh toán của Mastercard và hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của Mastercard trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp, toàn diện và mang lại trải nghiệm thanh toán tuyệt vời, an toàn, đơn giản và thông minh”.
Theo một nghiên cứu của Cohere Market Insights, quy mô thị trường “trả sau” toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 7,3 tỷ đô-la vào năm 2019 lên 33,6 tỷ đô-la vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hơn 21%. Nhóm tư vấn và tình báo thị trường đánh giá châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh nhất.
Ông B. Amrish Rau, Giám đốc Điều hành của Pine Labs cho biết: “Cùng với Mastercard, chúng tôi đang mở ra những cách thức mới và sáng tạo để người tiêu dùng có thể quyết định cách mua sắm và thanh toán, đồng thời tạo điều kiện để người bán, ngân hàng và những người cho vay khác tham gia vào xu hướng tài trợ tiêu dùng khi thanh toán, vốn đang ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
“Chuyên môn trong lĩnh vực ‘trả sau’ Pine Labs kết hợp với sự hiện diện toàn cầu và cơ sở hạ tầng công nghệ của Mastercard giúp chúng tôi mang đến một giải pháp đa kênh dễ triển khai đối với tất cả người tham gia, đồng thời cho phép mở rộng quy mô nhanh chóng”.
Với việc cung cấp lựa chọn trả góp khi thanh toán, mối quan hệ hợp tác này mang đến tiềm năng to lớn cho người bán, chủ sở hữu thương hiệu và các tổ chức tài chính trong nỗ lực thúc đẩy sáng kiến đổi mới thanh toán cho người tiêu dùng.
Pine Labs là một trong những nền tảng thương mại hàng đầu của châu Á. Đây là một nền tảng dựa trên đám mây độc đáo, có khả năng cung cấp một loạt giải pháp chấp nhận thanh toán cũng như giải pháp thương mại cho người bán. Nền tảng lưu trữ giá trị này bao gồm các tính năng phát hành, xử lý và phân phối thẻ quà tặng kỹ thuật số cho khách hàng doanh nghiệp. Nền tảng này có cơ sở khách hàng là những doanh nghiệp bán hàng lớn, vừa và nhỏ nổi tiếng ở khắp Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông. Pine Labs được thành lập tại Singapore. Các nhà đầu tư chính của Pine Labs bao gồm Mastercard, Sequoia India, Actis Capital, Temasek, PayPal và Sofina.