Theo ông Nguyễn Quang Vinh, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là một điểm rất tiến bộ khi đề cập trong của Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế (Fs) không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2024 (tức chỉ còn vài tháng nữa), nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs
Trong đó: F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.
Để có đủ căn cứ cho doanh nghiệp đóng tiền, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) ban hành định mức Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là dự thảo).
Dù đã có quá trình tham vấn khá kỹ lưỡng nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Lo giá thành sản phẩm tăng vì định mức chi phí tái chế
Dù khẳng định việc ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì là đúng chủ trương của Chính phủ, song bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng; chai bia tăng thêm 51 đồng.
Như vậy, giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên và ảnh hưởng đến tâm lý khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất.
Theo bà Vân Anh, khảo sát với doanh nghiệp trong Hiệp hội cho thấy, có 70% doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện, 80% doanh nghiệp khó khăn khi phải chuẩn bị cả nguồn lực cả chi phí và hệ thống để tái chế; trong khi chỉ có 61% doanh nghiệp mới tiếp cận ở mức thông tin.
“Doanh nghiệp sản xuất thực sự quá khó khăn trong những tháng đầu năm, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Nếu có tác động thêm đến gánh nặng chi phí thì doanh nghiệp khó mà trụ được”, bà Vân Anh quan ngại.
Không chỉ tính theo mức cao, bà Vân Anh còn biết, việc tính phí tái chế cũng có điểm chưa phù hợp. Cụ thể, trong dự thảo cũng quy định doanh nghiệp chỉ được chọn 1 trong 2 hình thức tự tái chế hoặc đóng góp chi phí tái chế vào quỹ quỹ môi trường.
Tuy nhiên, với 1 số vật liệu khó tái chế như bao bì đa lớp, doanh nghiệp mong muốn sẽ được tích hợp 2 hình thức vừa tái chế vừa đóng góp quỹ bảo vệ môi trường.
“Dự thảo cần tính toán và đưa ra phí tái chế cho hợp lý để doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa đẩy mạnh tái chế bao bì thúc đẩy kinh tế tuần hoàn", bà Vân Anh nêu rõ.
Mới đây, 14 hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam đã ký chung văn bản góp ý đối với bản dự thảo. Tại văn bản này, các hiệp hội cho rằng, các định mức Fs quá cao như đề xuất trong dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa.
Ví dụ, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay…
Cùng với đó, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì.
Cụ thể, dự thảo đề xuất hệ số Fs là 0,3 cho giấy, chai PET và nhôm; Fs là 0,5 cho sắt thép để giảm bớt Fs cho các vật liệu có giá trị thu hồi cao.
"Đề xuất hệ số Fs này không hợp lý vì đối với vật liệu như sắt thép, nhôm, bao bì giấy, chai nhựa cứng (PET), phương tiện giao thông, các nhà tái chế các vật liệu này đều có lãi, do giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế", văn bản nêu rõ.
Cần xác định được định mức Fs một cách phù hợp
Nhìn nhận về vấn này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm của mình là một điểm rất tiến bộ khi đề cập trong của Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam.
Tuy vậy, để triển khai và thực hiện hiệu quả thì cần xem xét kĩ lưỡng, đặc biệt là cần xác định được định mức Fs một cách phù hợp với kinh tế Việt Nam - đặt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn chưa từng có.
“Nếu đưa ra định mức Fs không phù hợp thì EPR sẽ được triển khai trong thực tiễn, điều này vừa khó cho cơ quan quản lý nhà nước vừa khó cho cả các doanh nghiệp triển khai”, ông Vinh nêu rõ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn đã và đang có những bước chuẩn bị kĩ lưỡng để triển khai EPR, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ ngoài thiếu hiểu biết thì còn chưa đủ nguồn lực để thực hiện.
Vì vậy, ông Vinh cho rằng, trong thời gian đầu thực hiện (2024-2025), chỉ nên tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt đối với doanh nghiệp (trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận).
Ngoài ra, cũng có thể chia nhỏ các khoản đóng góp của doanh nghiệp (ước tính lên tới nhiều nghìn tỷ đồng) vào Quỹ Bảo vệ Môi trường cho các sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong năm 2024.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, định mức Fs cũng phải tính toán đến sự đa dạng của các ngành sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, thậm chí có thể phải cá thể hóa hơn, chi tiết hơn cho từng ngành lĩnh vực.
“Phải tính toán đến cả yếu tố làm sao doanh nghiệp có sử dụng các sản phẩm tái chế được giảm bớt chi phí, từ đó để thúc đẩy yếu tố tuần hoàn. Đây là điều quan trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Về khâu tổ chức thực thi, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần xem xét cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xử lý tái chế.
“Chỉ khi có thị trường tốt thì sẽ giúp giảm được chi phí, thúc đẩy doanh tự tái chế”, ông Hiếu khẳng định.