Các Hiệp hội ngành, nghề

Một mình một chợ, giá cà phê Việt Nam sắp chạm mốc lịch sử 100.000 đồng/kg

Nguyễn Huyền 26/03/2024 - 14:22

Từ cuối năm 2023 đến tháng 4/2024, cả thế giới hầu như chỉ có duy nhất Việt Nam còn nguồn cung cà phê Robusta, nên các nhà mua thế giới đều tìm đến Việt Nam để khai thác và mua hàng. Một mình một chợ đẩy giá cà phê liên tục tăng và đang dao động từ 94.700 – 95.300 đồng/kg.

ca-phe-resize.jpg
Ảnh minh họa

Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, đầu vụ giá cà phê dao động 60.000 đồng/kg, từ đầu tháng 3/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước bắt đầu tăng mạnh so với cuối tháng 2/2024, do tồn kho thấp và nhu cầu vẫn rất cao. Ngày 11/3/2024, giá cà phê Robusta tăng từ 7.100 – 7.400 đồng/kg so với ngày 29/2/2024, lên mức cao kỷ lục mới 89.800–90.800 đồng/kg.

Đến ngày 25/3/2024, Đắk Nông là địa phương có giá cao nhất 95.300 đồng/kg, 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai có cùng mức giá 95.200 đồng/kg, riêng tỉnh Lâm Đồng giá thấp nhất 94.700 đồng/kg.

Giá cà phê tăng gần 40.000 đồng/kg so với đầu vụ

Đầu vụ, giá cà phê nhân được chào bán khoảng 60.000 đồng/kg, giao từ tháng 12/2023 trên, nay đã tăng lên và sắp chạm mốc 100.000 đồng/kg, như vậy đã tăng gần 40.000 đồng/kg. Có nhiều dấu chỉ cho thấy giá cà phê nội địa sẽ tăng cao trong thời gian tới nên tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á lần thứ 27, lãnh đạo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã đưa ra cảnh báo doanh nghiệp cần hạn chế tối đa việc bán xa, mua xa.

Cung, cầu là yếu tố ảnh hưởng đẩy giá cà phê Việt Nam tiếp tục đà tăng, bởi từ cuối năm 2023 đến tháng 4/2024 cả thế giới hầu như không còn có nguồn cung nào khác ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, không một ai nghĩ giá cà phê Robusta có thể sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg. Khi giá cà phê trong xu thế tăng đã xảy ra 2 vấn đề, đó là doanh nghiệp khó mua được hàng để giao cho các hợp đồng đã ký, thậm chí có doanh nghiệp do ngại giá cà phê tăng quá cao không dám ký hợp đồng mới.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, từ cuối năm 2023 đến tháng 4/2024, cả thế giới hầu như chỉ có duy nhất Việt Nam còn nguồn cung cà phê Robusta, nên hầu như các nhà mua thế giới đều tìm đến Việt Nam để khai thác và mua hàng. Đối với cà phê Việt Nam, kể cả người bán lẫn người mua đều phải thận trọng, do niên vụ cà phê 2023-2024 của Việt Nam tiếp tục mất mùa, dẫn đến nguồn cung hạn chế nên chưa thể khẳng định được điều gì về giá. Mặt khác, khi giá cà phê có nhiều biến động sẽ có nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu.

Phân tích các yếu tố dẫn đến tăng giá cà phê, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho rằng, có nhiều yếu tố tác động lên giá cà phê, do diện tích cây cà phê giảm nhưng quan trọng nhất vẫn do biến đổi khí hậu làm năng suất cây trồng giảm dẫn đến giảm sản lượng và tồn kho vụ trước chuyển qua thấp. Ba yếu tố trên cùng lúc tác động khiến nguồn cung bị thiếu hụt trong khi nhu cầu cà phê trong nước và trên toàn cầu không giảm thậm chí tăng. Thấy trước tình hình có thể gây rủi ro, Vicofa đã cảnh báo tới các doanh nghiệp hội viên tránh hiện tượng bán xa và mua xa.

Các yếu tố tác động lên giá cà phê

Thứ nhất, lượng cà phê tồn kho năm 2022 - 2023 thấp nhất so với những năm vừa qua, dẫn đến niên vụ 2023 - 2024 xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường.

“Các năm trước tồn kho từ vụ trước chuyển qua vụ sau khoảng 150.000 – 200.000 tấn, nhưng vụ 2022 - 2023 tồn kho chuyển qua vụ 2023 - 2024 quá thấp, nên từ tháng 6, 7 và 8 năm ngoái đã xảy ra tình trạng thiếu hàng”, ông Hải nói.

Thứ hai, diện tích cây cà phê giảm. Trong những năm qua giá cà phê quá thấp đã có một số diện tích chuyển đổi sang sầu riêng, hoặc cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thứ ba, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây khô hạn. Các yếu tố trên đã làm cho sản lượng cà phê năm nay giảm từ 15- 20%. Song, đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác của các tỉnh diện tích cây cà phê còn lại là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch và giới đầu cơ tài chính cũng là yếu tố làm tăng giá cà phê.

Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán cho nên hiện tại và tương lai sản lượng cà phê Robusta là không thuận lợi, tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên có nguy cơ làm giảm năng suất và sản lượng của vụ tới. Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến vụ mùa ở Indonesia và các nước ở châu Phi có trồng cà phê Robusta.

Ông Hải cho rằng, trong kinh doanh luôn có những rủi ro nhất định nhưng với doanh nghiệp nào tính toán được thì vẫn đạt hiệu quả, còn doanh nghiệp nào không tính toán mà bán xa, mua xa thì gặp rủi ro cao. Không phải hôm nay giá cà phê mới tăng mà nó đã tăng ngay từ đầu vụ và chưa có năm nào giá cà phê lại cứ tăng liên tục như năm nay. Do vậy, doanh nghiệp phải kinh doanh phải tính toán kinh như thế nào cho hiệu quả.

“Đã qua mấy chục năm giá cà phê luôn ở mức thấp ngang với giá thành chỉ có năm nay là cao nhất trong lịch sử ngành hàng, có thể rồi đây giá cà phê sẽ giảm khi nguồn cung dồi dào. Dù vậy, trước tiên là chúng ta phải mừng cho người nông dân, bởi bà con vẫn là người chịu thiệt thòi. Đối với doanh nghiệp thì kinh doanh luôn có những yếu tố gây rủi ro cao họ phải tự tính toán”, ông Hải nhấn mạnh.

Năng suất bình quân cà phê ở Tây Nguyên đạt trên dưới 3 tấn/ha, có hộ cá biệt đạt năng suất gần 5 tấn/ha, với giá cà phê hiện nay bà con thu về từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Song, Việt Nam đã kết thúc thu hoạch vụ cà phê 2023 - 2024, nên số hộ còn trữ cà phê không nhiều chủ yếu là các đại lý thu mua và nhà đầu cơ còn trữ hàng thì lời nhiều.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 3/2024 ước đạt gần 400 ngàn tấn, trị giá 640 triệu USD, so với tháng 3/2023 tăng 89,87% về lượng và tăng 32,60% về giá trị. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 đạt 798.044 tấn, trị giá 1,894 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 44,41% về lượng và tăng 54,26% về kim ngạch.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một mình một chợ, giá cà phê Việt Nam sắp chạm mốc lịch sử 100.000 đồng/kg
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO