Một số chính sách mới của chính phủ có hiệu lực tháng 9/2019

H.Q| 05/09/2019 10:42
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tới 200 triệu đồng

Nghị định 63/2019/NĐ-CP  ngày 11/07/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/09/2019.

Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Bổ sung một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Có hiệu lực từ ngày 05/09/2019, Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/07/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Cụ thể, thay vì quy định 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, Nghị định 64/2019/NĐ-CP quy định 28 loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó bổ sung một số loài như: Thông đỏ nam (Thông đỏ lá dài, Thanh tùng), Hoàng liên gai lá dài, Hoàng liên gai lá mốc, Lan hài chai (Lan vân hài), Lan hài xanh, Lan hài chân tím, Lan hài trân châu...

Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi

Có hiệu lực từ ngày 09/09/2019, Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ban hành ngày 18/07/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Trong đó, Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi. Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ theo quy định; đối với công trình thủy lợi vừa thì mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và đối với công trình thủy lợi lớn hoặc quan trọng đặc biệt thì mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/07/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/09/2019.

Trong đó, nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gồm: 1- Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái và đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước; 2- Tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, xung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; 3- Đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/07/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 15/09/2019.

Theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định bằng tỷ lệ (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số chính sách mới của chính phủ có hiệu lực tháng 9/2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO