Một số định hướng quan trọng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới

Mai Phan| 13/06/2019 22:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát huy những kết quả nổi bật đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định điều này chiều 13/6 tại Hà Nội khi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2019, định hướng những tháng cuối năm 2019.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 10/6/2019, đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thông suốt.

Về tình hình lãi suất, NHNN đã điều hành theo diễn biến của kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng được chỉ đạo để áp dụng phù hợp trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Mặt bằng lãi suất huy động  và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng trưởng 5,75% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đã hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227.860 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117.800 tỷ đồng.

Về hoạt động thanh toán, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64,1 triệu giao dịch, tương đương gần 35,7 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động này đã tăng 23,23% về số lượng giao dịch và gần 18% về giá trị.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Đến nay đã có khoảng 16 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code

Theo Tạp chí Nikkei Asia phát hành ngày 18/4 vừa qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đã có sự chuyển mình khi vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt".

Trên cơ sở kết quả đạt được những tháng đầu năm, thời gian tới, NHNN xác định một số định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cụ thể như sau:

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối.

Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%;

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế; Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech; Tiếp tục triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện tại Việt Nam; Tiếp tục thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số định hướng quan trọng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO