(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong những tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý...
Đây là những thông tin được công bố tại cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2019 và định hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh chiều 10/6/2019 do Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì.
Lãi suất cho vay hợp lý, mở rộng tín dụng hiệu quả
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ổn định các mức lãi suất điều hành; chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện cho phép trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính.
Tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Thị trường tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trong hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông,...).
Với phương châm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, ngành Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp. Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng; Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững.
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018, NHNN đạt điểm cao nhất 90.57/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ 1. Đây là lần thứ 4 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, tín dụng tăng ngay từ đầu năm. Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như: Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, quyết liệt đẩy lùi tín dụng đen
Thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, kịp thời hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, giúp bà con khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ lúa Vụ Đông Xuân năm 2019, thực hiện chỉ đạo của NHNN tại Hội nghị ngành ngân hàng cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các NHTM nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến nay, các TCTD tại khu vực ĐBSCL đã giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân.
NHNN cũng kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi bùng phát, hay hỗ trợ người trồng tiêu tại Gia Lai trước hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt.
Với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, ngày 22/2/2019, Thống đốc NHNN ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Các chương trình cho vay có quy định áp dụng mức cho vay đối đa như hộ nghèo như cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, khu vực dân tộc thiểu số cũng được áp dụng nâng mức cho vay này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy lùi tín dụng đen, trong các Chỉ thị, Thống đốc NHNN đều yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
NHNN đã liên tiếp tổ chức các Hội nghị bàn các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, đồng thời, tiến hành các cuộc khảo sát tại một số địa phương.
Chính sách cho vay trong nông nghiệp, nông thôn cũng có nhiều ưa đãi đột phá như: nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến nguồn vốn khác; mở rộng việc cho vay không có tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay, đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra; triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giúp người dân tránh xa các luồng tín dụng phi chính thức.
Ngoài ra, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Duy trì và kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn
Với sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trên cơ sở các giải pháp quy định tại Quyết định số 1058 và thực trạng hoạt động của hệ thống các TCTD, NHNN chỉ đạo quyết liệt các TCTD hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã tạo cơ sở quan trọng để duy trì, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD. Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được bổ sung, hoàn thiện. Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, chất lượng tín dụng được cải thiện; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao; Các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), sau gần hai năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng trong việc duy trì và kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tính từ năm 2012 đến tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tình hình xử lý nợ xấu của toàn hệ thống TCTD sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đã đạt được những kết quả tích cực. Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 3/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,0 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đồng thời, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42.
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ, bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách về thanh toán, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đảm bảo tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý; tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM. NHNN đã chủ động xây dựng nội dung, phối hợp thực hiện các chương trình giáo dục tài chính được dư luận đánh giá cao như “Tiền khéo tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, “Đồng tiền thông thái”...
Nhờ đó hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực: Nhiều chỉ tiêu TTKDTM có tốc độ tăng trưởng cao (so cùng kỳ năm 2018); khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; hạ tầng thanh toán đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế, ứng dụng công nghệ mới cho ra đời các phương tiện, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích; an toàn, bảo mật luôn được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu; quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn được quan tâm và bảo vệ.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, trong Quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018 với tổng số tiền giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% với giá trị giao dịch tăng khoảng 13,46% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018). Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 mới đây của PwC, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động và mức tăng của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát toàn cầu.
Có thể nói, những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam. Hồi tháng 5/2018, Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB; nâng triển vọng từ mức “Tích cực” sang “Ổn định” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); Moody’s nâng từ B1 lên BA3 (tháng 8/2018); đặc biệt, tổ chức S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019). S&P đánh giá cao tầm quan trọng của NHNN trong điều hành CSTT phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vừa qua, Chính phủ đã có buổi làm việc với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đánh giá kinh tế Việt Nam, nhận định những cơ hội và thách thức trong thời gian tới và đưa ra các khuyến nghị chính sách. IMF đã đánh giá cao các nỗ lực của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó đã rất thành công trong việc sử dụng cơ chế tỷ giá trung tâm và thực hiện các biện pháp can thiệp tỷ giá một cách khéo léo để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối trong điều kiện thuận lợi. Đồng thời, IMF cũng rất hoan nghênh việc NHNN tiếp tục nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính thông qua việc giảm trần tăng trưởng tín dụng đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.