Một số gợi ý để thúc đẩy quá trình xử lý tài sản nợ xấu là xe ô tô

Nguyễn Tấn Lộc| 21/09/2021 10:37
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thời gian gần đây, do diễn biến dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khiến nhiều chủ tài sản không còn khả năng trả nợ, dẫn tới gia tăng hoạt động thanh lý tài sản tại các ngân hàng. Bên cạnh nhiều chủ nợ hợp tác cùng ngân hàng trong thanh lý tài sản, cũng xuất hiện những trường hợp bỏ của chạy lấy người, để kệ Ngân hàng tiến hành xử lý tài sản.

Ảnh minh họa: Xe ô tô thanh lý. Nguồn: Internet

Tâm lý của khách nợ khi mất khả năng thanh toán thường là bỏ mặc khoản nợ cho ngân hàng xử lý. Thậm chí có những khách hàng không thiện chí hợp tác, có những hành động, thái độ thái quá, gây nguy hiểm đối với nhân viên của ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản như dùng những từ ngữ thô tục, tụ hợp nhiều người thân nhằm gây cản trở trong việc thu giữ tài sản, không tự nguyện bàn giao tài sản, không cung cấp bất cứ thông tin gì liên quan đến tài sản, ẩn giấu tài sản lúc nơi này, lúc nơi khác, thậm chí bán cho bên thứ ba mà không thông báo cho ngân hàng,…

Tới khi thu giữ được tài sản hoặc khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản xe ô tô cho ngân hàng tiến hành các thủ tục bán đấu giá thì mọi việc cũng chưa hẳn đã suôn sẻ. Về phía khách hàng, đôi lúc là sự không thiện chí hợp tác trong quá trình bàn giao tài sản, có thái độ hung hăng, dùng nhiều lời lẽ hăm dọa, gửi đơn kiện tại cơ quan địa phương nhằm cản trở việc thu giữ tài sản...

Đối với ngân hàng, khó khăn xuất hiện bởi những quy định, thủ tục hồ sơ rất nhiều như biên bản thu giữ, quyết định thu giữ, thông báo thu giữ gửi đầy đủ cho các cơ quan ban ngành có liên quan, thông báo cho các bên vay, bên bảo lãnh biết thời gian thu giữ, xác nhận của các phòng ban cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ thu giữ. Nếu gặp được những cơ quan hiểu rõ tính chất công việc,  hỗ trợ nhiệt tình thì quá trình thu giữ được tiến hành thuận lợi, song không phải nơi nào cũng được như vậy, vẫn còn một số nơi vẫn không hỗ trợ, hoặc hỗ trợ ở mức thấp với lý do được đưa ra là chưa được tập huấn các văn bản đối với việc thu giữ…

Để một chiếc xe ô tô được mang ra bán đấu giá công khai theo quy định, ngoài việc hoàn tất hồ sơ thu giữ còn phải trình hồ sơ qua nhiều cấp phê duyệt mà khó khăn nhất là ở khâu quyết định giá khởi điểm để đưa ra đấu giá tài sản, các chi phí hỗ trợ thu giữ, lựa chọn công ty định giá, bán đấu giá. Do đó, thời gian giải quyết một vụ việc rất lâu, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu hồi nợ.

Chưa kể, trong quá trình định giá, khách hàng khiếu nại về giá thấp, về tỷ lệ giảm giá, bán quá chậm…, hoặc phàn nàn, khiếu nại tiến độ giải quyết chậm trong khi vẫn phải trả tiền lãi vay hàng tháng, gây khó chồng khó cho khách nợ.

Thực tế, việc bán đấu giá nhanh hay chậm không phải do ngân hàng mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giá bán, tình trạng xe, đời xe, dòng xe, loại xe, người tiêu dùng ưa chuộng mẫu xe đó hay không, xe có bị đâm đụng, ngập nước, còn bảo hiểm hay không,…

Với tài sản thế chấp là xe ô tô, tính khấu hao, mất giá rất nhanh trong khi đó tiền lãi thì vẫn tính bình thường theo quy định, nếu trễ hạn phải chịu lãi phạt.

Cũng phải nói thêm rằng, thời gian thực tế kể từ khi nhận bàn giao tài sản từ khách nợ cho đến bán đấu giá thành công, nếu mọi việc thuận lợi cũng mất khoảng hơn 3 tháng. Bởi kể từ ngày nhận bàn giao tài sản đến khi bán tài sản thành công, còn phải thực hiện các bước như bàn giao cho bên mua trúng đấu giá và đợi tiền bên trung tâm bán đấu giá chuyển về để ngân hàng thu nợ. 

Trong khi đó, những nhà kinh doanh quan tâm tới hàng thanh lý của Ngân hàng thường có suy nghĩ giá thanh lý sẽ rẻ hơn thị trường từ 20-30%. Thực tế, giá khởi điểm bán đấu giá thường cao so với thị trường và tình trạng xe. Thường phải qua nhiều lần giảm giá mới có khách hàng tham gia đấu giá. Vậy nên, hơn 80% khách vẫn còn nợ ngân hàng sau khi bán tài sản thế chấp xong. Vì vậy, quá trình bán đấu giá tài sản càng lâu thì thiệt hại của khách nợ  thậm chí cả ngân hàng càng nhiều.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, dự báo tình hình thanh lý tài sản là xe ô tô, bất động sản và các tài sản thế chấp khác tại các ngân hàng sẽ gia tăng thời gian tới. Theo ý kiến tác giả, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ với tài sản là xe ô tô cũng như các loại tài sản khác tương đồng với xe ô tô ngoại trừ bất động sản cần sự thấu hiểu và chung tay giữa khách hàng với ngân hàng và cả các cơ quan liên quan.

Về phía khách hàng, để giảm thiểu thiệt hại do chậm trả nợ, khách hàng nên quyết định sớm và hợp tác tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng xử lý sớm nếu nhận thấy mất khả năng trả nợ, tránh gây phiền phức, kéo dài thời gian. Càng kéo dài, tiền lãi càng tăng, gây thiệt hại cho chính bản thân khách hàng cũng như gây ra nợ xấu cho ngân hàng. Trong trường hợp số tiền bán đấu giá sau khi đã trừ hết các loại chi phí liên quan đến việc bán đấu giá mà cao hơn tổng nợ và các loại phí trả nợ (nếu có), lúc đó ngân hàng sẽ hoàn trả số tiền chênh lệch cho khách hàng và ngược lại.

Về phía ngân hàng, nên tiếp tục rà soát nhằm giảm thiểu các thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình phê duyệt xử lý khoản nợ xấu, phê duyệt tập trung tại một phòng ban nhất định hoặc áp dụng theo mô hình một cửa như ở các cơ quan nhà nước hiện nay.

Về phía cơ quan có liên quan đến các thủ tục hỗ trợ thu giữ, sang tên, cần có sự phối hợp uyển chuyển, linh động và phổ biến rộng rãi các văn bản liên quan đến hỗ trợ thu giữ tới các cán bộ của đơn vị mình để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng cũng như khách hàng mua trúng đấu giá hoàn tất các thủ tục sang tên, đăng kiểm. Làm được điều này lợi ích kinh tế mang lại cho khách mua xe thanh lý, khách vay nợ và ngân hàng sẽ là rất đáng kể và quan trọng hơn, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số gợi ý để thúc đẩy quá trình xử lý tài sản nợ xấu là xe ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO