Câu chuyện chia cổ tức luôn là vấn đề "nóng" được quan tâm mỗi mùa đại hội đồng cổ đông về. Hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố phương án chia cổ tức trình cổ đông thông qua trong đại hội cổ đông thường niên sắp tới.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong ba năm từ năm 2020-2022, Ngân hàng Nhà nước đã luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu... Bắt đầu từ năm 2023, cơ quan quản lý không còn "siết" chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao.
Có thể nói, đây là điều kiện để các ngân hàng có "bộ đệm" vốn an toàn thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới công bố gần đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) sẽ trình cổ đông thông qua phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2023. Cụ thể, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 0,44% cho cán bộ nhân viên.
Đối với hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt, VIB dự kiến chia làm 2 đợt, đợt 1 tạm ứng cổ tức 6% và đợt 2 là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Dự kiến tổng số tiền tối đa sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.
Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được ĐHĐCĐ ngân hàng phê duyệt vào cuối năm 2023 và đã chi trả vào ngày 21/2/2024.
Cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) cũng đang "háo hức" chờ đợi ĐHĐCĐ năm nay khi từ đầu năm 2024, lãnh đạo đã chia sẻ, ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Phương án trên được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Đây là lần đầu tiên Techcombank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Trước đó, ngân hàng không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh.
"Đến hiện tại, vị thế và năng lực của ngân hàng đã rất khác, lớn mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước. Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách dài hạn liên quan đến chia cổ tức cho cổ đông do ngân hàng hiện đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa đảm bảo tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng”, lãnh đạo Techcombank cho biết.
Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) cũng lên kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Tương tự, MB cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt song song với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tại hội thảo nhà đầu tư mới đây, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, dự kiến ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) nhiều khả năng sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm nay. Sau nhiều năm liên tiếp chia cổ tức bằng cổ phiếu, tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank từng cho biết, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp, ngân hàng “đủ” để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Theo VPBank, với kế hoạch chia cổ tức trên, ngân hàng vẫn bảo toàn nguồn vốn dành cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng trong kế hoạch.
Ngoài các ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.
Sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HOSE:NAB) cũng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng sau phát hành.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) cũng có kế hoạch tăng vốn bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Kế hoạch trên được thông qua tại đại hội cổ đông năm 2023. Theo đó, ngân hàng sẽ nâng quy mô vốn điều lệ thêm 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng. Mới đây, SaigonBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Ngoài ra, cuối tháng 2/2024 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2022 đạt 16.528 tỷ đồng, cùng khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước là 86 tỷ đồng. Lợi nhuận phân phối là 16.442 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của VietinBank là 11.648 tỷ đồng. Theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 65.300 tỷ đồng.