Đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Khu vực 13 đạt khoảng 370 nghìn tỷ đồng, tăng 1,45% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (0,53%).
Ngành Ngân hàng chi nhánh Khu vực 13 gồm 4 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh đều có thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp đặc sản cây ăn trái, dừa; du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển nước sâu, nuôi trồng và khai thác thuỷ - hải sản.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng Khu vực 13 đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đã đạt kết quả khá tích cực.
Ông Phạm Minh Tú, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 13 chia sẻ, hiện nay địa bàn khu vực 13 có 96 tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động với mạng lưới 592 cơ sở giao dịch.
Hoạt động tín dụng đạt tín hiệu tích cực, đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Khu vực 13 đạt khoảng 370 nghìn tỷ đồng, tăng 1,45% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (0,53%).
Đáng chú ý, dòng chảy tín dụng ở 4 tỉnh trong Khu vực tập trung mạnh vào một số chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên toàn khu vực đạt khoảng 275 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 75,5% tổng dư nợ toàn khu vực.
Năm qua, ngành Ngân hàng Khu vực 13 đã có 10 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và đã phối hợp, tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho hàng nghìn khách hàng ở nhiều ngành nghề. Dư nợ cho vay (có hỗ trợ lãi suất) lũy kế thông qua các đợt kết nối nối ngân hàng – doanh nghiệp tại khu vực đạt khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng. Hầu hết mọi nhu cầu vay hội tụ đủ điều kiện của doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua đều được đáp ứng một cách đầy đủ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khách hàng năng lực tài chính yếu, sổ sách kế toán thiếu minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng…; đối với những khách hàng này, các ngân hàng cử cán bộ hướng dẫn làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ và lên phương án kinh doanh và giải ngân theo đúng khả năng hấp thụ vốn của từng dự án/phương án khả thi.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trong Khu vực 13 cũng đã xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2 con số để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Vì thế, VietinBank Chi nhánh Tiền Giang, cũng như các ngân hàng thương mại khác đề nghị các sở, ngành, các địa phương khu vực 13 tiếp tục đồng hành, chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm để các ngân hàng thương mại có thể tham gia tài trợ vốn và phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất đạt 8%, đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng phải nỗ lực ở mức cao nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế năm nay đối diện không ít thách thức đến từ những biến cố khó lường, chẳng hạn như chính sách thuế đối ứng mà Mỹ vừa công bố ngày 3/4 vừa qua.