Nâng cao chất lượng nhân sự ngành Ngân hàng

Ngô Hải| 17/11/2020 17:23
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 17/11/2020, Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank tổ chức Tọa đàm “Tăng cường hợp tác giữa TCTD trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung về xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo và ký kết thỏa thuận hợp tác về sự liên kết, hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong hệ thống ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề nguồn nhân lực được xem là khâu đột phá và phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bển vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Cũng giống như hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khác, nguồn nhân lực là động lực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng.

Ngành Ngân hàng đang thiếu nhân sự chất lượng cao

Thống kê được đại diện Vụ Tổ chức cán bộ NHNN đưa ra tại buổi tọa đàm cho biết, tính đến thời điểm ngày 1/6/2020, toàn ngành Ngân hàng ước tính có 346.614 người, với cơ cấu trình độ gồm: 569 người là tiến sĩ (chiếm 0,16%), 20.286 người có trình độ thạc sĩ (chiếm 5,85%), 263.927 người có trình độ đại học (chiếm 76,16%), 23.453 người có trình độ cao đẳng (chiếm 6,77%), 20.054 người có trình độ trung cấp (chiếm 5,79%), 18.325 người có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo (chiếm 5,79%).

Về cơ cấu nhân lực theo các hệ thống, số nhân lực làm việc trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước là 6.871 người; hệ thống các TCTD là 339.723 người, bao gồm các nhóm TCTD như sau: Nhóm NHTM nhà nước là 110.947 người, khối NHTM cổ phần là 161.211 người, quỹ tín dụng nhân dân là 14.500 người, công ty tài chính là 41.937 người…

Vụ Tổ chức cán bộ NHNN cho biết, NHNN đang thiếu đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ then chốt, đặc biệt là thiếu chuyên gia giỏi về kinh tế, quản lý vĩ mô với yêu cầu sở hữu năng lực nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược, định hướng phát triển hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng, xây dựng chính sách vĩ mô về tiền tệ ngân hàng, thanh tra giám sát an toàn hệ thống và thanh toán.

Về phía các TCTD, Vụ Tổ chức cán bộ NHNN cho biết, cũng đang thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn cao trong các lĩnh vực hoạt động then chốt của NHTM, quyết định đến hiệu quả hoạt động và sự an toàn của tổ chức như: quản trị ngân hàng hiện đại, phân tích tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phân tích và thẩm định dự án đầu tư, quản trị rủi ro; đặc biệt là các nghiệp vụ, sản phẩm tài chính-ngân hàng mới ứng dụng CNTT.

Toàn cảnh tọa đàm

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, cũng như tại Việt Nam, nhân lực ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động thực hiện các quy trình nghiệp vụ, phát triển dịch vụ  thông qua ứng dụng công nghệ số, xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chất lượng nhân lực ngành Ngân hàng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại chính, có thể kể đến như:

Thứ nhất, đội ngũ nhân lực trình độ cao tại NHNN và các TCTD còn mỏng, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành, bao gồm cả chuyên gia giỏi về kinh tế, quản lý vĩ mô, thanh tra giám sát an toàn hệ thống ngân hàng và các lĩnh vực hoạt động then chốt của NHTM.

Thứ hai, tính chuyên nghiệp của nhân lực ngân hàng trong các vị trí công việc vẫn chưa cao gồm cả tinh thần, kỹ năng phục vụ khách hàng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng và kỹ năng bổ trợ.

Thứ ba, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT của ngành Ngân hàng nói chung và kiến thức về công nghệ của nhiều nhân sự trong ngành Ngân hàng còn hạn chế.

Từ những vấn đề nói trên, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN nhận thấy cần chú trọng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của ngành. “Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục chú trọng hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đây là một quá trình, không thể hoàn thành ngay một sớm một chiều mà phải có lộ trình khoa học, có chiến lược cụ thể”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.

Hướng đến khung chương trình đào tạo chung

Các đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác về sự liên kết, hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong hệ thống ngân hàng

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cho rằng, đào tạo và phát triển nhân lực được hiểu là quá trình liên quan đến việc hoàn thiện và nâng cao các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và kinh nghiệm nghề nghiệp của người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện công việc của họ ở cả hiện tại và tương lai, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đã xác định của ngành Ngân hàng.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu quan điểm, mục tiêu: “Kịp thời nắm bắt cơ hội và thách thức từ tác động của cách mạng công nghiệp để định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng. Nhận thức sâu sắc ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố chính, then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam so với khu và thế giới”.

Theo đó, giải pháp thứ 9 mà Chiến lược đưa ra là “chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng”. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, NHNN đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-NHNN ngày 17/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả và triển khai tốt Quyết định 1537, bà Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank kiến nghị, cần tăng cường kết nối kênh thông tin giữa hệ thống đào tạo của NHNN với hệ thống đào tạo nội bộ của các NHTM. Đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống ngân hàng đang thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, các NHTM rất cần sự hỗ trợ về năng lực, tài liệu và định hướng cho hoạt động đào tạo về lĩnh vực này, giúp nâng cao hiểu biết của cán bộ nhân viên về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Đối với các đơn vị đào tạo trong hệ thống khối NHTM nhà nước, bà Kim Ngọc đề nghị, các đơn vị này nên thường xuyên chia sẻ các kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa và ứng dụng CNTT vào công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đặc biệt là các giải pháp phần mềm trong ứng dụng quản lý đào tạo, khảo thí và E-learning.

Tại buổi tọa đàm, TS.Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, để việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng mang lại lợi ích thiết thực đối với chính sự phát triển của các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nói riêng và công tác đào tạo bồi dưỡng của ngành ngân hàng nói chung, rất cần một cơ quan đầu mối định hướng việc hợp tác này. Cụ thể việc hợp tác thành những chương trình, nội dung cụ thể; Cơ quan này có thể là Hiệp hội Ngân hàng, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ NHNN hoặc Viện Chiến lược NHNN... tùy theo lĩnh vực hợp tác.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo và khung chương trình đào tạo cho nhóm các vị trí chức danh, để từ đó giúp NHNN hình thành một khung chương trình đào tạo chuẩn cho các vị trí trong ngành Ngân hàng.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Đưa ra những góp ý nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc đào tạo CBNV tân tuyển hiện nay mỗi ngân hàng làm một kiểu, không theo một chuẩn nào. Do vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất nên có một chương trình đào tạo chuẩn đầu vào chung đối với nhân viên tân tuyển áp dụng đối với tất cả các ngân hàng.

“Với ý tưởng như vậy, chúng tôi đề xuất các cơ sở đào tạo của 4 NHTM nhà nước có thể ngồi họp với nhau -  qua sự điều phối của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – để trao đổi, thảo luận về một bộ khung chương trình đào tạo nhân viên tân tuyển tiêu chuẩn chung áp dụng cho tất cả các ngân hàng trên cơ sở tổng hợp, chắt lọc, lựa chọn từ chương trình đào tạo nhân viên tân tuyển của 4 NHTM nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, dưới sự chứng kiến của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng, các đơn vị gồm: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (NHNN), Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Trường đào tạo nhân lực VietinBank và Trường đào tạo cán bộ Agribank đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nhân sự ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO