(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 16/3/2020, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) công bố chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ lần thứ 2 trong năm 2020. Cụ thể, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng. Thời gian áp dụng từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/12/2020.
Hưởng ứng Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và Công điện số 02-CĐ/NHNN ngày 11/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
|
Trong thời điểm cả nước chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, thực hiện vai trò của Tổ chức chuyển mạch quốc gia, NAPAS tiếp tục triển khai chương trình giảm phí lần thứ 2 trong năm 2020 nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người dân trong việc ứng phó với dịch bệnh. Đây là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến (online).
Đánh giá tác động từ đợt giảm phí lần này, bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch HĐQT NAPAS - cho biết: “Tỷ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần thứ 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020. Thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chuyển mạch quốc gia trong việc cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ tốt và tiện lợi để các ngân hàng có thể cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân với mức phí hợp lý nhất; NAPAS chưa bao giờ đặt lợi nhuận là mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Giảm phí đồng nghĩa với giảm trực tiếp doanh thu của công ty nhưng NAPAS luôn chủ động thực hiện vì đây là nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh, NAPAS càng phải nỗ lực đồng hành, sát cánh cùng các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân”- Chủ tịch HĐQT NAPAS khẳng định thêm.
Đại diện NAPAS tin tưởng rằng, việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu thống kê cho thấy, từ sau tết nguyên đán đến nay, (tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 và NAPAS cùng các ngân hàng thương mại đồng hành triển khai miễn, giảm phí), tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó ngày 25/2, NAPAS đã triển khai chương trình miễn phí đối với dịch vụ công và miễn/giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Đến 16/3, chương trình đã cộng hưởng được 39/45 ngân hàng tham gia miễn/giảm phí cho khách hàng, tương đương với 99,6% số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ qua NAPAS được miễn/giảm phí.
Chương trình giảm phí dịch vụ ngân hàng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến không cần đến ngân hàng, hạn chế rủi ro tiếp xúc đông người, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Chương trình giảm phí lần 1 của NAPAS triển khai ngày 25/2/2020 đã được hầu hết các ngân hàng hưởng ứng và triển khai miễn, giảm cho khách hàng, cụ thể: 17 ngân hàng chiếm chiếm 56% lượng giao dịch đã miễn phí dịch vụ; 10 ngân hàng chiếm 10,9% lượng giao dịch thu phí không quá 2.000/giao dịch; 12 ngân hàng chiếm 32,7% lượng giao dịch thực hiện giảm phí dịch vụ tương đương mức giảm của NAPAS. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại (16/3/2020) đã có 39/45 ngân hàng triển khai chương trình miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán tương ứng với 99,6% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua hệ thống NAPAS. Sau thời gian giảm phí dịch vụ, lượng giao dịch giá trị nhỏ tăng từ 21% lên 25% tổng số giao dịch qua hệ thống NAPAS. Điều nay cho thấy xu hướng người dân đã gia tăng sử dụng các giao dịch trực tuyến và các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch giá trị nhỏ. |