Vấn đề - Nhận định

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Ngô Hải 27/04/2023 13:30

Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN là thiết thực và cần thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, giới chuyên môn cũng đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 25/4, đại diện các vụ chức năng của NHNN và một số ngân hàng đã chia sẻ xung quanh những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN:

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ các

ngân hàng giảm lãi suất

bmt_9797.jpg
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) để đạt mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Thứ nhất, về điều hành thị trường mở, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thanh khoản và lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Theo đó, NHNN liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá (GTCG) với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD luôn trong trạng thái dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của nền kinh tế.

Kể từ đầu tháng 3 trở lại đây, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm và hiện là 5,0%/năm.

Với việc điều hành thị trường mở như trên, thời gian qua thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo và số dư tiền gửi của TCTD tại NHNN thường xuyên trong tình trạng dư thừa so với số phải dự trữ bắt buộc.

Theo đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm nhanh, tạo điều kiện để các TCTD có thêm dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế.

Thứ hai, song song với công tác điều hành thanh khoản tiền đồng thì NHNN cũng điều hành rất linh hoạt việc can thiệp thị trường ngoại tệ.

Theo đó, từ đầu năm trở lại đây, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực và NHNN đã mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Từ đó góp phần đưa được một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế để đưa vào lưu thông, tạo sự dồi dào thanh khoản trong hệ thống TCTD.

Thứ ba, cùng với các biện pháp điều hành CSTT nêu trên, NHNN cũng triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Từ đầu năm đến nay, cùng với tín hiệu nền kinh tế cho thấy có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã chủ động, linh hoạt và nhanh chóng hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các TCTD. Trên cơ sở đó, một mặt hỗ trợ TCTD tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường.

Kết quả của việc điều hành đồng bộ các công cụ nêu trên cho đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của thị trường đã giảm đáng kể. Cụ thể, lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Trong sáng ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo buổi họp cùng với 4 NHTM nhà nước và các bộ, ngành để bàn một số các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản và các định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Tin vui là 4 NHTM nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Với định hướng đó và sự cam kết của các NHTM, NHNN sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN: 

Thông tư số 02 giúp giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn 

bmt_9779.jpg
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng (Thông tư 02).

Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về giác độ của TCTD thì các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Thông tư sẽ được triển khai từ ngày 24/4/2023 đến cho đến hết ngày 30/6/2024.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV):

Thông tư 02 là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

bmt_9817.jpg
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Triển khai các chỉ đạo của NHNN, chúng tôi luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay

BIDV đánh giá cao các chính sách được NHNN và Chính phủ đưa ra thời gian qua, đặc biệt Thông tư 02 vừa ban hành. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

BDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này vào thực tế nhanh nhất.

Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn đang gặp một số vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý liên quan đến BĐS triển khai tương đối chậm, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này.

Các ngân hàng đang rất muốn cho vay nhưng do các dự án đều vướng mắc nên khó giải ngân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB):

Ngành Ngân hàng không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022

Kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Thời gian qua, đặc biệt trong những ngày gần đây, NHNN đã liên tục ban hành các chính sách rất trúng và đúng với thị trường Việt Nam.

Với các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, thanh khoản ngân hàng được đảm bảo, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất điều hành cơ bản, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống.

NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 02, với các đối tượng được thụ hưởng là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh và một bộ phận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Như vậy, các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi từ Thông tư 02 này.

Về phía TCTD cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của mình và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Các chính sách của NHNN hiện nay như thanh khoản, hay các chính sách hỗ trợ đều không vướng mắc, nhưng tại sao tín dụng lại tăng trưởng còn thấp?. Chúng tôi đánh giá tín dụng tăng trưởng thấp là do cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I/2023 và tháng 4/2023 không cao.

Ngành Ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO