Ngân hàng Mỹ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro

Trịnh Quốc Đạt| 07/05/2020 14:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ vừa qua đã công bố lợi nhuận quý đầu tiên năm 2020, trong đó điều dễ nhận thấy là các ngân hàng đã dành hàng tỷ đô la để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay.

Trong quý đầu tiên của năm 2020, đa số các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm nhịp guồng quay xuống mức tối thiểu, thậm chí còn phải “đóng cửa” do dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Điều này nếu kéo dài thêm sẽ gây nên những thất thoát lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Mỹ đã qua đỉnh dịch Covid-19, tuy tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu thực hiện các bước chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và quản lý thị trường nhất là với bối cảnh nền kinh tế diễn biến xấu, tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi chính các ngân hàng cũng trở nên bất ổn?

Báo cáo tình hình kinh doanh của 4 ngân hàng lớn nhất Mỹ cho thấy các ngân hàng đã trích hàng tỷ đô la cho quỹ dự phòng rủi ro dành cho những khoản vay dự kiến không có khả năng thu hồi.

Chris Kotowski, nhà phân tích ngân hàng tại Oppenheimer, trong một báo cáo ngày 14/4 đề cập đến các khoản dự phòng lớn hàng quý cho các khoản vay mất thanh khoản như là một sự “nhiễu loạn dự trữ” mà thiếu đi những đánh giá đầy đủ về diễn biến nền kinh tế. Lý giải cho vấn đề này, thực chất các ngân hàng lớn vẫn chưa phải chịu tổn thất tín dụng đáng kể nào từ cuộc khủng hoảng kinh tế do sự bùng phát của virus corona. Nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động bình thường cho đến khoảng thời gian giữa tháng 3 trước khi Chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh. Và so sánh với những kịch bản kinh tế bất lợi nghiêm trọng mà Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự trù năm 2019 thì tình hình vẫn chưa tệ đến mức đó.

Nhà phân tích James Shanahan của Công ty tư vấn đầu tư Eward Jones, trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết rằng, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đáp ứng tốt các khoản vay đối với các ngân hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một phần là do họ đã đa dạng hoá các nguồn thu nhập, để giảm thiểu rủi ro khi trường hợp bất lợi xảy ra.

 

Những dự liệu cẩn trọng

Việc dự phòng cho những rủi ro trong tương lai là điều cần thiết, điều này cũng rất đúng đắn khi nhìn vào những hệ luỵ mất thanh khoản tại các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhưng ở một khía cạnh khác, các nhà quản lý ngân hàng cũng lo ngại rằng nếu dự phòng quá mức sẽ ảnh hưởng đến doanh thu ngân hàng nếu hoạt động này tiếp tục tăng lên.

Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa gây nên những tác động đáng kể nào cho nền kinh tế Mỹ cho đến khoảng giữa tháng 3, cho nên báo cáo các ngân hàng lớn của Mỹ chưa chịu nhiều tổn thất. Nhưng các nhà phân tích dự kiến rằng, quý II/2020 mới thực sự “ngấm đòn” từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Mark Doctoroff của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG), làm việc tại New York và là một trong những người đứng đầu tập đoàn tài chính toàn cầu trong lĩnh vực ngân hàng và đầu tư, cho thấy ông không ngạc nhiên về vấn đề này. Các ngân hàng lớn của Mỹ sẽ ứng phó được với tình trạng này dễ dàng hơn so với năm 2008. Các ngân hàng Mỹ có thể cầm cự tốt trong thời gian ngắn, nhưng chưa thể khẳng định họ sẽ không chịu thiệt hại nếu tình hình diễn biến ngày một xấu đi trong dài hạn, yếu tố mang tính chất quyết định ở đây, đó chính là thời gian, “điều này sẽ diễn ra trong bao lâu?”.

Quý II/2020 mới là thời điểm bộc lộ rõ ràng những hệ lụy từ dịch Covid

Giám đốc tài chính(CFO) Ngân hàng J.P Morgan, Jennifer Piepszak đã đưa ra những số liệu dự báo trong quý II sắp tới để ngân hàng có thể xây dựng kế hoạch  dự phòng tổn thất rủi ro. Dự kiến trong quý II, GDP sẽ giảm 25% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 10%.

Còn các nhà kinh tế làm việc tại các ngân hàng khác cũng đã đưa ra cập nhật triển vọng cho các quý tiếp theo khi mà GDP có thể sẽ giảm 40% và tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 20%, dữ liệu được cập nhật từ FactSet.

Những số liệu trên được tổng hợp và phân tích theo nhiều nguồn tin chính thống khác nhau. Tổng hợp báo cáo về đơn xin trợ cấp thất nghiệp sau hai tuần đầu tháng 4/2020 cho thấy tổng mức trợ cấp yêu cầu là hơn 20 triệu USD, như vậy ước tính tỷ lệ thất nghiệp khoảng 15%, với hơn 5,25 triệu người thất nghiệp, đây là tỷ lệ thấp nghiệp cao nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1930. Như vậy có thể nói, thời điểm quý II/2020 sẽ là thời điểm bộc lộ rõ ràng những hệ luỵ từ dịch bệnh Covid-19.

Liệu các gói kích cầu được Chính phủ tung ra có thể ứng phó được với tình hình diễn biến xấu hay không? Bà Jennifer Piepszak cho rằng: “Miễn là người dân, các khách hàng của ngân hàng chúng tôi thực hiện tốt các chỉ thị từ phía Chính phủ ban hành, chúng tôi đều có thể đảm bảo kiểm soát tốt tình hình, tuy nhiên tất cả sẽ phụ thuộc vào việc liệu cuối cùng, các chương trình có thể kết nối mọi người trở lại làm việc hay không.”

Thống kê số lượng người thất nghiệp tại Mỹ quý I và 2 tuần đầu tháng 4/2020. Nguồn: Văn phòng thống kê lao động

Fed đã thực hiện giảm bớt một số hạn chế trong tháng 4, cho phép ngân hàng tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doctoroff tin rằng các ngân hàng sẽ chèo lái tốt để vượt qua cuộc khủng hoảng này, các khách hàng sẽ nhận được những hỗ trợ đầy đủ và số tiền sẽ được phân bổ một cách hợp lý và hiệu quả nhất với niềm tin mạnh mẽ về sự hồ­i phục của nền kinh tế trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Mỹ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO