Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng

Bùi Trang| 01/05/2021 07:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 02 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Thông tư 02 ban hành năm 2013 quy định về việc phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thực tiễn triển khai quy định tại Thông tư 02 cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắt và bất cập giữa quy định tại Thông tư 02 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Do đó, việc ban hành thông tư thay thế Thông tư 02 là cần thiết, tạo thuận lợi cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Dự thảo Thông tư mới được xây dựng dựa trên các định hướng sau:

Một là, rà soát giữ lại các quy định còn phù hợp tại Thông tư 02 và bãi bỏ một số quy định đã hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp do đã được sửa đổi, bổ sung bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hai là, sửa đổi, bổ sung/bãi bỏ một số quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Ba là, các nội dung quy định tại dự thảo thông tư đảm bảo rõ ràng, minh bạch, giúp các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dễ dàng thực hiện.

Dự thảo Thông tư bao gồm 4 Chương 25 Điều bao gồm các quy định chung, các quy định về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, quản lý nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán và báo cáo; các quy định về trách nhiệm của NHNN và xử lý vi phạm; các quy định về điều khoản thi hành và chuyển tiếp.

Về cơ bản các quy định của Thông tư 02 được giữ lại và chuyển tiếp trong Dự thảo Thông tư mới. Ngân hàng Nhà nước có sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm, trong đó có liên quan đến quy định của Bộ Tài chính về tài sản đảm bảo là các chứng khoán…

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung thời điểm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng từ mỗi quý thành mỗi tháng một lần trong 7 ngày đầu tiên của tháng.

Dự thảo Thông tư mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm không được thông báo cho khách hàng khi sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trường hợp khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đã được bán cho phù hợp với thực tế và đảm bảo chặt chẽ.

Dự thảo thông tư quy định việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là công việc nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được xử lý rủi ro. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là quy định được bổ sung mới nhằm đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tế.

Sau khi xử lý rủi ro, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán theo Hợp đồng mua bán nợ và bên mua nợ không có quyền truy đòi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sau thời gian tối thiểu 5 năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp của hội đồng xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và phải theo dõi trong hệ thống quản trị của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.

Quy định trên loại trừ các khoản nợ mà khách hàng là pháp nhân đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và sau khi thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản hoặc khách hàng là cá nhân chết mà người thừa kế không nhận nợ theo quy định của pháp luật, hoặc khách hàng là cá nhân bị tuyên bố mất tích theo quyết định của tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO