(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực khiến cho chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, giới chuyên môn nhìn nhận, dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển, từ đó hướng tới một xã hội không tiền mặt.
Tọa đàm "Ngan hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng Covid-19" |
Số liệu được ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng Covid -19”, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, tổ chức chiều ngày 21/5 cho thấy, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các dịch vụ trên smartbanking tăng trưởng lớn, cụ thể: khách hàng sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng, với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng...
Covid-19 là cơ hội phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Cũng cho rằng, Covid-19 tạo ra cơ hội để đẩy mạnh thanh toán điện tử, ông Phạm Quang Đệ, Phó Giám đốc khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, LienVietPostBank đã có so sánh kỹ về trước trong và sau Covid-19 và thấy rằng trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, lượng giao dịch thanh toán điện tử phát triển cực kỳ mạnh, tăng trưởng 20% đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch; tăng trưởng 28% về giao dịch chuyển tiền, rút tiền, trả lương; tăng trưởng 60% về dịch vụ tiết kiệm… Từ những con số trên, ông Đệ cho rằng, xu hướng hành vi xã hội chắc chắn phải số hóa, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô, giá trị giao dịch lớn trong thời gian tới.
“Về mặt kinh tế, Covid-19 đã có những tác động tiêu cực khiến cho chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trên toàn cầu cũng như toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy. Tuy nhiên, trên khía cạnh tích cực, đây lại là cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Napas chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Quang Hưng cho biết, Napas hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử - một trong bốn hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia - kết nối liên thông mạng lưới trên 19.000 máy ATM, 286.863 máy POS, trên 83 triệu thẻ của gần 50 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, Napas đã cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính cho các giao dịch ATM, thanh toán POS, thanh toán giao dịch thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua ứng dụng Mobile Banking, Internet banking của 45 ngân hàng thương mại, với trung bình gần 2,8 triệu giao dịch/ngày, giá trị quyết toán trung bình 21.000 tỷ đồng/ngày; cung cấp dịch vụ thanh toán cho dịch vụ công, dịch vụ tiện tích như: điện, nước, cước bưu chính, học phí, viện phí,…
Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ. Phát biểu buổi tọa đàm, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Việt Nam có hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực. “Đó là lợi thế để chúng ta có thể chuyển nền kinh tế số sang không gian số, thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp”, Lộc nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết, NHNN đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Theo đó, có khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn, giảm phí giao dịch. Cụ thể, NHNN đã 2 lần chỉ đạo NAPAS giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7, đồng thời điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo TCTD miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những giải pháp miễn, giảm phí giao dịch của NHNN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp là một trong những biện pháp tốt để kích cầu thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ số
Nếu so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.
Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI TS.Vũ Tiến Lộc, dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi.
Số liệu được ông Dũng đưa ra cho thấy, tốc độ tăng trưởng về mobile banking đang ở vào khoảng 200% và đang tăng trưởng rất tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Tuy nhiên rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của ngân hàng số là thói quen. Do đó, vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng.
Để thúc đẩy kinh tế số, ông Dũng cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý với các ngân hàng, đó là: thứ nhất, phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng; thứ hai, câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.
“Dự kiến trong tháng 6 này, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện”, ông Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng lưu ý các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh. Cùng với đó là đẩy mạnh kết nối với các công ty fintech. “Trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác-ngân hàng-fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - fintech để cùng phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn về mặt pháp lý, ông Dũng cho biết, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Với tinh thần đó, thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành Chương trình Hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số. Trong đó, có Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); Thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng; Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số cũng cần phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện… Tuy nhiên, để phát triển thanh toán điện tử, ông Dũng kiến nghị, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... “Chừng nào chưa xác định được chủ thể của giao dịch đó thì chúng ta không thể phát triển được thanh toán điện tử”, ông Dũng nhấn mạnh.