Tin Hiệp hội Ngân hàng

Ngân hàng thương mại nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế

Quỳnh Lê 10/05/2023 - 19:00

Trong bối cảnh nhiều thách thức đan xen, các ngân hàng thương mại đang nỗ lực, đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bức tranh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực để giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

do__7668(1).jpg
Các diễn giả tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu”

Trao đổi tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” ngày 10/5, ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho biết, đến hết quý I/2023, tín dụng toàn ngành chỉ tăng hơn 2%, trong khi cùng kỳ là 5%, cho thấy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang chững lại. Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất khi chi phí vốn tăng cao, người dân cũng thu hẹp tài chính. Tất cả đã tác động tới hoạt động của ngành ngân hàng.

“Ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó. Chúng tôi đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Năm 2022 là rủi thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, danh tiếng do ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu - bảo hiểm. Năm 2023 là rủi ro về tín dụng khi phải thoái lãi dự thu, an ninh do trộm cướp, rủi ro nội bộ hoặc bị tấn công mạng từ bên ngoài. Thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng, chất lượng nợ suy giảm, phải trích lập nhiều hơn thì ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng”, ông Lê Thanh Tùng nêu rõ.

Ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank

Bên cạnh đó, với các ngân hàng thương mại nhà nước như VietinBank còn phải giảm lãi suất. Tuy nhiên, Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã giúp các ngân hàng giãn thời gian trích lập dự phòng, giúp gia tăng thời gian phục hồi. VietinBank cũng có dự báo và định hướng phù hợp nên kết quả quý I/2023 vẫn bảo đảm sự tăng trưởng, chất lượng nợ vẫn trong tầm kiểm soát.

“Thời gian tới, VietinBank vẫn sẽ thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, tỷ giá…”, ông Lê Thanh Tùng khẳng định.

Ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh Tiền tệ và Đầu tư, Ngân hàng OCB cho biết, bản thân ngân hàng này cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ bán lẻ với lãi suất cố định trong ngắn – dài hạn phụ thuộc vào từng đối tượng khách hàng.

Theo ông Bùi Thành Trung, OCB cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, nhất là cách ngành xây lắp, du lịch, logistics. Ngân hàng sẽ tranh thủ cơ hội, tận dụng room tín dụng để hỗ trợ khách hàng.

nguyen-quoc-hung.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng  - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao đổi tại Diễn đàn

Trao đổi tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang "đi trên dây" khi vừa thực hiện nhiệm vụ điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.

Mặt khác, trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay, nếu dồn hết khó khăn của doanh nghiệp vào ngân hàng thì thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lúc đó hậu quả sẽ như thế nào?

Có kết quả ngày hôm nay là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Với Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn, các ngân hàng phải tự quyết định với các khoản nợ tái cơ cấu, giãn, hoãn. Với trái phiếu, đã có Thông tư số 16/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

Về chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước dựa trên điều kiện thực tiễn của nền kinh tế.

"Một số ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước điều hành "giật cục", nhưng nếu không cẩn trọng liệu dư nợ tăng thêm có hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và tốc độ huy động vốn chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng tín dụng ? ", TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.

“Có kết quả ngày hôm nay là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Chúng tôi cũng kêu gọi giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng sao có thể hỗ trợ mãi”, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ và lưu ý thêm, bối cảnh hiện tại đòi hỏi phải phát triển lành mạnh, bền vững thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán.

TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tình hình khó khăn hiện nay. Nếu còn vướng mắc, khó khăn thì hoàn thiện cơ chế để bộ, ngành, địa phương triển khai nguồn vốn này cho tốt.

Bên cạnh những nỗ lực giảm phí, giảm lãi suất của ngành Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng Chính phủ sẽ nỗ lực giảm thuế để doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh.

Thêm vào đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng bày tỏ mong Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ ổn định, thận trọng, song đồng thời cũng cần linh hoạt hơn, nhất là trong tăng trưởng tín dụng cần phân bổ ngay từ đầu năm để các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng thương mại nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO