Nhìn ra thế giới

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2001

H.Y 16/06/2023 12:13

Lạm phát “được dự đoán sẽ duy trì ở mức rất cao trong thời gian rất dài”, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngày 15/6 khi quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm và báo hiệu có thể sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất nữa.

Không giống như FED giữ nguyên lãi suất, các nhà hoạch định chính sách lãi suất cho 20 quốc gia sử dụng đồng Euro cho biết họ thậm chí còn chưa thảo luận về việc tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần này.

ECB đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tiền gửi lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001, do các quan chức cho biết lạm phát được dự báo sẽ vẫn duy trì rất cao trong thời gian rất dài. Đây là lần tăng thứ tám liên tiếp của ECB. Động thái này đã được thông báo rõ ràng kể từ cuộc họp cuối cùng của Hội đồng quản trị ECB vào đầu tháng 5, khi các nhà hoạch định chính sách bày tỏ lo ngại về áp lực lạm phát cơ bản do tăng lương và lợi nhuận doanh nghiệp hoặc tác động của giá lương thực tăng cao.

Trước đó một ngày, FED đã giữ lãi suất ổn định lần đầu tiên sau hơn một năm. Sau động thái cả hai đều tăng lãi suất một phần tư điểm vào tháng trước, hai ngân hàng trung ương đã bắt đầu phân kỳ trở lại.

“Chúng tôi chưa nghĩ đến việc tạm dừng,” bà Lagarde, Chủ tịch ECB cho biết và nói thêm rằng “rất có khả năng” sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7, chừng nào chưa xuất hiện “sự thay đổi quan trọng” nào đối với kỳ vọng của ngân hàng về lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách cho biết họ muốn tránh nguy cơ vội vàng tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tăng giá, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã giảm từ mức đỉnh hai con số vào cuối năm ngoái xuống 6,1% trong tháng 5. Lạm phát chậm lại có thể là do chi phí năng lượng bán buôn thấp hơn, vì thế các ngân hàng trung ương đã cảnh giác với các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang ăn sâu vào nền kinh tế, điều này có thể cản trở việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Bà Lagarde nhấn mạnh tác động ngày càng tăng của việc tăng lương đối với lạm phát: “áp lực tiền lương, trong khi phản ánh một phần các khoản thanh toán một lần, đang trở thành một nguồn lạm phát ngày càng quan trọng.” Bà cho biết chi phí tiền lương cao hơn cũng giải thích tại sao lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm, dự kiến ​​sẽ cao hơn trong hai năm tới.

ECB dự báo lạm phát toàn phần sẽ ở mức trung bình 5,4% trong năm nay, nhưng kỳ vọng lạm phát trong hai năm tới chỉ cao hơn mục tiêu chút xíu, ở mức 2,2%. Tuy nhiên, bà Lagarde cho rằng dự báo 2,2% là “không khả quan”.

Khi lạm phát chậm lại, câu hỏi thắt chặt chính sách bao nhiêu là hợp lý trở nên khó định lượng. Nếu thắt chặt quá nhiều có thể kìm hãm nền kinh tế nhiều hơn mức cần thiết và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế. Còn nếu quá ít có thể khiến lạm phát trở thành một vấn đề dai dẳng mà các nhà hoạch định chính sách không thể giải quyết tận gốc. Đó là một thách thức mà các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu phải đối mặt.

Ngày 14/6, FED cho biết đang dành thời gian để đánh giá xem nền kinh tế Mỹ đang phản ứng như thế nào với tốc độ tăng lãi suất nhanh đã thực hiện thời gian qua. Nhưng các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng có thể cần phải tăng lãi suất một lần nữa sau đó. Một mô hình như vậy đã được thiết lập gần đây ở Úc và Canada, nơi các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ổn định trong một thời gian ngắn trước khi tiếp tục tăng.

Bà Lagarde cho biết, các nhà hoạch định chính sách chỉ biết nên giữ lãi suất ở mức nào khi đầy đủ các dữ liệu.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang đặt cược quyết định dừng tăng lãi suất sẽ tại cuộc họp của ECB vào tháng 9 hoặc nhiều khả năng là vào tháng 10.

“ECB sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa, vào tháng 7 và tháng 9 trước khi dừng lại, mỗi lần 0,24 điểm, để đưa lãi suất tiền gửi ở mức 4%”, ông Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng Euro tại Pantheon Macroeconomics, nhận định. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg và Commerzbank kỳ vọng ECB sau một lần tăng nữa sẽ dừng tăng lãi suất, giữ nguyên lãi suất 3,75% trong suốt năm 2024.

Vào tháng 5, ECB đã giảm tốc độ tăng lãi suất khi thừa nhận tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đối với nền kinh tế của khu vực thông qua các điều kiện cho vay hạn chế hơn. ECB cũng cho biết các điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến ​​sẽ làm giảm nhu cầu hơn nữa.

Khi báo hiệu lãi suất sẽ tăng cao hơn nữa, ECB cũng hạ thấp một chút dự báo về tăng trưởng kinh tế của khu vực với tăng trưởng 0,9% trong năm nay và 1,5% trong năm tới.

Các quyết định tiếp theo “sẽ đảm bảo rằng các lãi suất chủ chốt sẽ được đưa đến các mức đủ để đưa lạm phát quay trở lại đúng hạn với mục tiêu trung hạn 2% và các mức lãi suất này sẽ được giữ ở trong thời gian cần thiết.”

(Nguồn: NYT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2001
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO