Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, lãi suất cao hơn và lượng mua trái phiếu chính thức thấp hơn sẽ chỉ bắt đầu có tác động đáng kể trong việc giảm lạm phát khu vực đồng euro từ năm nay, đồng thời nhấn mạnh lý do tại sao ECB trong tháng này đã quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất.
ECB đã tăng lãi suất lên ở mức chưa từng có, 3,75 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022, tuy nhiên vẫn còn những tranh cãi về việc việc thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB sẽ nhanh chóng làm giảm lạm phát tại khu vực đồng euro như thế nào.
Trong một nghiên cứu vừa được công bố đầu tuần này, ECB cho biết nỗ lực đẩy chi phí đi vay lên, bắt đầu từ tháng 12/2021 khi công bố kế hoạch ngừng mua trái phiếu, đã làm giảm mức tăng giá cả nửa điểm phần trăm vào năm ngoái và dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 2 điểm phần trăm trong ba năm tới.
Các nhà nghiên cứu cho biết tại nghiên cứu: “Đánh giá này cho thấy việc bình thường hóa chính sách đã gây áp lực giảm đáng kể đối với lạm phát và tăng trưởng GDP thực tế trong toàn bộ thời gian dự báo.
Họ cho biết: “Hầu hết các tác động đối với lạm phát dự kiến sẽ xảy ra từ năm 2023 trở đi, với tác động đạt đỉnh điểm vào năm 2024,” đồng thời cho biết thêm rằng tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm trung bình 2 điểm phần trăm trong ba năm tới.
Các nhà nghiên cứu của ECB cho biết, có “sự không chắc chắn đáng kể” về kết quả mô phỏng dựa trên mô hình của họ, đặc biệt là trước những cú sốc kinh tế gần đây từ đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga -Ukraine và tốc độ tăng lãi suất kỷ lục.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ mức cao nhất 10,6% trong tháng 10 xuống còn 7% trong tháng 4, nhưng vẫn vượt quá mục tiêu 2%. ECB đã làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong tháng này, với việc chỉ nâng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm, lên 3,25%.
Một số nhà thiết lập lãi suất theo trường phái ôn hòa của ECB đã cảnh báo nên thận trọng về việc tăng lãi suất cao hơn nữa vì kết quả/tác động đầy đủ của việc tăng lãi suất sẽ chỉ xuất hiện sau 18 - 24 tháng.
Nhưng những người khác lo ngại độc lực của việc đưa lạm phát xuống bằng cách tăng lãi suất có thể bị pha loãng bởi một số yếu tố. Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây cho biết, các yếu tố này bao gồm việc ngân hàng miễn cưỡng chuyển lãi suất cao hơn cho người tiết kiệm, việc dư thừa tiền gửi tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch, sự hỗ trợ nhiều hơn của chính phủ và mức độ thế chấp có lãi suất thay đổi thấp hơn.
Phân tích của ECB được đưa ra khi Ủy ban châu Âu nâng dự đoán lạm phát cho năm nay và năm tới, trong bối cảnh kỳ vọng thị trường việc làm mạnh mẽ và việc tăng trưởng sản lượng cao hơn dự kiến một chút sẽ tạo áp lực lên giá.
Theo đó, Ủy ban châu Âu đã nâng dự báo lạm phát khu vực đồng euro lên 5,8% trong năm nay và 2,8% trong năm tới. Con số này cao hơn mức 5,6% và 2,5% đã dự báo trước đó vào tháng 2.
Ủy ban đã nâng triển vọng tăng trưởng cho nền kinh tế của khối lên 1,1% vào năm 2023, cao hơn một chút so với dự đoán 0,9% trước đó và ước đoán tăng trưởng sẽ tăng tốc lên 1,6% vào năm 2024. Ủy ban cho biết, chi phí năng lượng giảm có thể sẽ giúp ích cho nền kinh tế, làm giảm chi phí sản xuất của các công ty cũng như hóa đơn năng lượng hộ gia đình.
Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban cho biết, lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng, vẫn ở mức cao liên tục. Ông nói thêm: “Để kiểm soát lạm phát, điều quan trọng là phải đảm bảo chính sách tài khóa vẫn thận trọng và duy trì đà cải cách và đầu tư”.
(Nguồn: FT)