Ngành bán lẻ dược phẩm: Hai cổ phiếu hưởng lợi từ sự chuyển đổi

Bùi Trang| 21/09/2022 16:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngành bán lẻ dược phẩm đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Các nhà thuốc truyền thống đang dần bị thu hẹp trước sự mở rộng nhanh chóng của các nhà thuốc theo mô hình hiện đại. Hai hệ thống nhà thuốc bán lẻ Long Châu và An Khang được khuyến nghị nắm giữ bởi cơ hội tăng trưởng từ sự dịch chuyển của thị trường.

 

Tác động mạnh mẽ từ chính sách quản lý

Theo Tổ chức IQVIA, vào năm 2016, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Đến năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600. Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ và Viettel đơn vị sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông.

Điều gì đã dẫn đến sự chuyển đổi từ các hiệu thuốc truyền thống sang hiệu thuốc thương mại hiện đại? Nguyên nhân đầu tiên là sự kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc kê đơn từ cơ quan quản lý. Từ ngày 7/9/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4041/QĐ-BYT về việc kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, các nhà thuốc chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn để tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là đối với trường hợp thuốc kháng sinh.

Theo Bộ Y tế, trước năm 2017, lần lượt 88% và 91% thuốc kháng sinh ở khu vực thành thị và nông thôn được bán cho người bệnh không có đơn bác sĩ, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh lần lượt chiếm 13% và 19% doanh thu nhà thuốc ở khu vực thành thị và nông thôn.

Đến ngày 15/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐCP tăng mức phạt hành vi “bán thuốc kê đơn mà không có đơn”  từ 200.000-500.000 đồng lên 5-10 triệu đồng. Thậm chí, có thể bị đóng cửa, ngừng  hoạt động cơ sở bán thuốc. Điều này khiến các nhà thuốc nhỏ lẻ kém cạnh tranh hơn và buộc một số nhà thuốc phải đóng cửa. Tất nhiên, với hơn 50.000 cửa hàng thuốc trên khắp Việt Nam, rất khó để kiểm soát việc tuân thủ tuyệt đối.

Trong thời gian tới, các nhà thuốc truyền thống có thể còn gặp khó khăn hơn nữa trước quy định về kê đơn điện tử. Theo Thông tư 27/2021/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 20/12/2021 và có hiệu lực ngày 15/2/2022, các cơ sở khám bệnh, nhà thuốc bệnh viện và kênh nhà thuốc phải áp dụng kê đơn điện tử. Các hiệu thuốc thương mại hiện đại được trang bị hệ thống ERP, nên có thể nhanh chóng thích ứng với quy định mới. Điều này sẽ giúp các hiệu thuốc này giành được thị phần từ các hiệu thuốc nhỏ, khi các hiệu thuốc nhỏ có thể bị mất khách hàng do hệ thống kiểm soát nội bộ không kịp thời kết nối với hệ thống kê đơn điện tử.

COVID-19, tác nhân thầm lặng

Chưa kể, dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều biến động khác gia tăng sự phát triển mạnh mẽ của các nhà thuốc hiện đại. Trước hết, các vụ điều tra gia tăng trong ngành y tế Việt Nam cùng với tình trạng thiếu lao động đã khiến quá trình phê duyệt thuốc mới và gia hạn thuốc cũ của Cục Quản lý Dược (DAV) bị trì hoãn. Với nguồn cung thuốc eo hẹp, các nhà thuốc thương mại hiện đại với khả năng tài chính mạnh và khả năng thương lượng tốt hơn, đã có thể đảm bảo đủ nguồn hàng từ các công ty dược, trong khi các nhà thuốc truyền thống phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho.

Khi bùng phát COVID-19 vào năm 2020, số lượt thăm khám tại bệnh viện giảm do các biện pháp giãn cách cách xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu dược phẩm trong kênh bệnh viện, nhưng đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc.

Cùng với đó, trong bối cảnh nhiều vấn đề pháp lý, các bệnh viện công đã trở nên thận trọng hơn khi đấu thầu thuốc. Từ đầu năm 2022, đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến đấu thầu cung cấp thuốc và thiết bị y tế cho các bệnh viện. Do đó, các bệnh viện đã thận trọng hơn rất nhiều khi tham gia các gói thầu mới, dẫn đến tình trạng thiếu một số loại thuốc và thiết bị y tế. Do đó, bệnh nhân phải tìm đến các nhà thuốc.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến bệnh nhân có xu hướng mua vitamin và thực phẩm chức năng cùng với thuốc đặc trị COVID-19 (Favipiravir / Molnupiravir). Điều này giúp các chuỗi hiệu thuốc ghi nhận thêm doanh thu từ các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng.

Trong bối cảnh thị trường này, các nhà thuốc mở mới phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính phủ hiện nay kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn cho bệnh nhân ngoại trú, Do đó, các nhà thuốc có sự kết nối với bệnh viện hoặc cơ sở y tế sẽ dễ dàng dự báo nhu cầu đối với từng loại thuốc tại khu vực, tối ưu hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ hệ thống nhà thuốc hiện đại – vốn có tiềm lực tài chính vững mạnh và sẵn sàng chịu lỗ trong thời gian đầu để đổi lấy quy mô. Cuối cùng, đó là thách thức về quản lý khi các hệ thống nhà thuốc hiện đại có khả năng quản lý số lượng lớn cửa hàng trên toàn quốc, với hệ thống ERP hiệu quả để theo dõi chính xác hạn sử dụng thuốc tại từng cửa hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro thuốc hết hạn.

Cơ hội cho các cổ phiếu bán lẻ dược phẩm

Báo cáo của SSI nhận định các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ tiếp tục được hưởng lợi đáng kể từ sự kết hợp của ba yếu tố: sự thay đổi trong chính sách quản lý của Nhà nước; sự gia tăng thị phần từ kênh bệnh viện và nhu cầu tiêu dùng tăng cao đối với các sản phẩm vitamin, thực phẩm chức năng.

Trong đó, 2 chuỗi nhà thuốc Long Châu và An Khang đang mở rộng mạnh mẽ.

FRT mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu có lịch sử lâu đời vào tháng 1/2017, thời điểm đó mới chỉ có bốn cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Với chuyên môn trong việc quản lý số lượng lớn các cửa hàng, cùng với “bí quyết” của Long Châu trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ dược phẩm, FRT đã xây dựng chuỗi hiệu thuốc này lên hơn 700 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Trong 5 năm tới, FRT có kế hoạch nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 3.000 cửa hàng. Trong khi mảng kinh doanh điện thoại của FRT đang chậm lại do thị trường bão hòa, thì mảng dược phẩm kì vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.

FRT có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng ước tính là 15% so với cùng kỳ vào năm 2023. SSI đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu FRT là 91.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, lợi nhuận quý IV/2022 của FRT sẽ giảm so với mức nền cao của năm ngoái. Nhà đầu tư nên cân nhắc tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn giá cổ phiếu xuống thấp.

MWG mua lại chuỗi nhà thuốc An Khang vào năm 2017, với 14 cửa hàng tại thời điểm đó. Trong ĐHCĐ năm 2018, Ban lãnh đạo cho biết hoạt động kinh doanh bán lẻ dược phẩm vẫn chưa rõ ràng. Do đó, quan điểm này đã ảnh hưởng đến tốc độ mở mới chuỗi hiệu thuốc này cho đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quý IV/2021, sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại trở nên rõ ràng hơn. MWG tăng tốc mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang và chuyển sang sở hữu toàn bộ vào tháng 11/2021 - nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 99%. Chuỗi nhà thuốc An Khang hiện có hơn 600 cửa hàng, phủ khắp 33 tỉnh thành trên cả nước. MWG đặt mục tiêu lần lượt có 800 và 2.000 cửa hàng An Khang vào cuối năm 2022 và 2023.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính là 31% so với cùng kỳ vào năm 2023, SSI đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu MWG là 87.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 20%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành bán lẻ dược phẩm: Hai cổ phiếu hưởng lợi từ sự chuyển đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO