Cổ phiếu ngành nước năm 2022: Tăng trưởng ổn định

Bùi Trang| 11/02/2022 14:52
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Báo cáo về các doanh nghiệp ngành nước của Công ty chứng khoán SSI đánh giá diễn biến ngành trong năm 2021 kém khả quan nhưng có nhiều triển vọng trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ và giá bán tăng.

 

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa tăng giá mạnh

Giá cổ phiếu của các công ty ngành nước đã tăng 23% trong năm 2021, thấp hơn so với mức tăng của VN-Index. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng mạnh như BDW (+76%); NBW (+78%); GTW (+42%); BWE (+37%); DNW (+30%) và TDM (+27%). Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nhẹ.

Hai yếu tố chính khiến cổ phiếu ngành nước tăng trưởng thấp là do giá bán nước sạch trung bình giảm 10% trong quý III/2021 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 và nhu cầu tiêu thụ nước giảm trong quý III/2021.

Nhìn chung, trong cả năm 2021, tiêu thụ nước hộ gia đình (chiếm 71% tổng nhu cầu nước sạch) tăng 5% so với năm trước đối với khu vực nông thôn và tăng 3%-4% đối với khu vực thành thị. Nhu cầu sử dụng nước công nghiệp giảm 8% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trưởng lịch sử hàng năm là 10-12%. Nhu cầu nước công nghiệp (chiếm 18% tổng nhu cầu nước) giảm trong quý III/2021 do giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Nhu cầu nước công nghiệp tại Bình Dương – trung tâm KCN chính tại miền Nam giảm 18% trong quý III/2021, tại Đồng Nai giảm 8% và sản lượng tiêu thụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 17%.

Giá bán trung bình nước sạch tăng 3%. Giá nước sạch quy định theo Ủy Ban Nhân dân từng địa phương. Cụ thể, giá bán nước sạch tại Bình Dương tăng 5% YoY trong 2021. Trong khi đó, giá nước tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu không tăng trong 2021. Trong tháng 8 và 9/2021, giá nước tại các tỉnh miền Nam giảm 10% để hỗ trợ khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Chi phí xử lý chất thải, môi trường ảnh hưởng nhẹ đến kết quả hoạt động của các công ty nước sạch. Chi phí nguyên vật liệu chiếm 30-35% chi phí hoạt động công ty nước sạch. Hóa chất chiếm 21% chi phí nguyên vật liệu. Ngoài ra, thuế tài nguyên môi trường tại nhiều địa phương nằm trong khoảng 2.000-5.000 đồng/m3 trong 2021. Mặc dù tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng trong năm 2021, chi phí xử lý nước thải chỉ tác động nhẹ đến kết quả hoạt động. Do đó, biên lợi nhuận các công ty nước niêm yết trong năm 2021 đạt 32,9%, giảm 1,3% so với năm trước.

Năm 2022, tăng trưởng ổn định

Đối với nhóm các công ty nhà máy nước, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nhà máy xử lý nước bao gồm tổng vốn đầu tư nhà máy nước; khoảng cách từ nhà máy đến nguồn nước (nước mặt hoặc nước ngầm) và sản lượng đầu ra và giá bán cho các công ty phân phối.

Theo SSI, hiện tại, biên lợi nhuận ròng các nhà máy nước hiện tại đạt 35% -40%. Trong năm 2022, ít nhất có 4 nhà máy nước sạch đi vào hoạt động đạt tổng công suất 800.000 m3/ngày, tương ứng tăng thêm 33%. Theo trao đổi với các công ty nước niêm yết, suất đầu tư nhà máy xử lý nước tại các công ty nước niêm yết giai đoạn 2021-2022 sẽ đạt 4.700 đồng/m3, cao hơn giai đoạn 2019-2020 (3.700 đồng/m3).

Đối với các công ty có mạng lưới phân phối nước sạch trực thuộc quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố, hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân cư tại khu vực phân phối.

Tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% trong năm 2021 còn 18,7% trong 2022, do các công ty nước nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước, cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch cho người tiêu dùng. Nhờ đó kết quả hoạt động của các công ty phân phối được cải thiện.

Giá bán trung bình nước sạch sẽ tăng 3%-5% tùy thuộc địa phương. Cụ thể, Bình Dương và TP.HCM tăng 5% giá bán lẻ nước sạch trong tháng 1/2022. Đối với Hà Nội, sau khi Nhà máy nước mặt Sông Đuống đi vào hoạt động trong năm 2020,  giá nước sạch đã tăng sau thời giai dài đi ngang từ 2015. Giá nước công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng từ các KCN lớn.

Theo Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), tổng công suất xử lý nước tại Việt Nam đạt 10,6-10,9 triệu m3/ ngày. Mặt khác, nhu cầu sử dụng nước sạch tại hộ gia đình ước tính đạt 9,6-9,8 triệu m3/ngày trong năm 2022. Theo quy hoạch ngành nước đến năm 2030, tiêu thụ nước sẽ đạt 105-110 lít/người/ngày trong năm 2021 lên 120 lít/người/ngày vào năm 2030. Tỷ lệ người dân tại khu vực nông thôn được cấp nước sạch qua hệ thống ước tính tăng từ 43,5% hiện tại lên 47% vào năm  2030.

SSI ước tính doanh thu của nhóm công ty này tăng 9% so với cùng kỳ trong 2022 nhờ giá bán lẻ và nhu cầu tăng cùng với tỷ lệ thất thoát nước được giảm xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ phiếu ngành nước năm 2022: Tăng trưởng ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO