Để phục vụ nhu cầu vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp dịp cuối năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện đạt kế hoạch đề ra cho năm 2024. Nổi bật trong số đó là các chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương chia sẻ, đơn vị đang theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn; kịp thời đề xuất biện pháp điều phối hợp lý để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 15% đã đề ra từ đầu năm.
Đáng chú ý, Agribank Bình Dương đang triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình cho khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp.
Đồng thời, Agribank cũng tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã thực hiện các đợt giảm lãi suất cho vay, với sàn lãi suất giảm từ 0,5% - 1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp được cho là những yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng. Kết quả cho thấy, đến nay huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 313.372 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023; dư nợ tín dụng đạt 336.892 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, với thanh khoản dồi dào và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn vay đối với nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho biết, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong tháng 8 và tháng 9/2024 tăng khá nên tín dụng của ngân hàng có sự khởi sắc.
Chia sẻ về những giải pháp từ nay đến cuối năm 2024, lãnh đạo Vietcombank Bình Dương cho biết, ngân hàng tiếp tục đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát rủi ro, tài trợ thương mại, cho vay ưu đãi lãi suất…
Một số ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tín dụng hiện đã khả quan hơn so với những tháng đầu năm; các doanh nghiệp đã bắt đầu hấp thụ được vốn; các ngân hàng cũng đã giải ngân cho nhiều doanh nghiệp vay…
Hiện các tổ chức tín dụng đang thực hiện quyết liệt các giải pháp, bảo đảm phù hợp với đặc thù, thế mạnh của từng ngân hàng, như: Tiết giảm các chi phí; đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng...
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tích cực rà soát các dự án để bảo đảm cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi; đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản bảo đảm cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn.