Ngành Ngân hàng chủ động, tích cực chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không

Ngô Hải| 28/09/2021 21:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp hàng không, các hiệp hội ngành nghề nhằm lắng nghe các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ. Buổi làm việc do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Bảo Đăng

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đối với các hãng hàng không, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chung đối với các doanh nghiệp (như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi...), NHNN đã tổ chức họp và kịp thời có nhiều văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Hàng không, các hãng hàng không.

Doanh nghiệp hàng không đối mặt với rất nhiều khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm 2021 đến nay giảm 60 - 70% so với thời điểm trước dịch. Kể từ ngày 18/8/2021 đến nay, số chuyến bay của các hãng hàng không chỉ bằng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế và trong nước đều bị dừng lại. Do đó, để ngành hàng không khôi phục sẽ mất rất nhiều năm.

Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp hàng không cũng nhận thức được phải tự nỗ lực trước khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài nên các doanh nghiệp trong ngành đã triển khai nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn (chuyển nhượng bớt tài sản, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa...).

TS. Bùi Doãn Nề cũng cho biết, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành, đã tạo ra những tác động tích cực cho ngành. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn, ngoài các giải pháp đã được ngành Ngân hàng triển khai, TS. Bùi Doãn Nề có 2 đề nghị, đó là: ngành Ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn với lãi suất 0% như áp dụng với Vietnam Airlines; cho phép hãng hàng không thuộc Hiệp hội vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng, lãi suất 3-4%/năm và thời gian vay là 3-4 năm.

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines - Ảnh: Bảo Đăng

Đánh giá cao những hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với các hãng hàng không và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines kiến nghị cần có một cơ chế tổng thể để hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Để đạt hiệu quả cao, cơ chế đó phải phù hợp với thực tế của các hãng hàng không hiện nay (không có tài sản bảo đảm, thời gian hồi phục kéo dài...), nếu không sẽ rất khó triển khai. Các doanh nghiệp cũng cần các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, được duy trì hạn mức tín dụng...

"Với thực tế hiện nay, không hãng hàng không nào có thể vượt qua được đại dịch nếu không nhận được hỗ trợ từ 'Nhà nước - Cổ đông - Các đối tác - Giải pháp nội lực từ các hãng hàng không'. Với tinh thần đó, Vietnam Airlines ủng hộ cần có giải pháp đặc thù của Chính phủ dành cho ngành hàng không, đặc biệt là chính sách tín dụng", ông Trần Thanh Hiền kiến nghị.

Ông Nguyễn Khắc Hải- Đại diện Bamboo Airway phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Bảo Đăng

Đại diện của hãng Bamboo Airway, cũng đánh giá cao những hỗ trợ từ Chính phủ và ngành Ngân hàng trong thời gian qua, tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp hàng không chưa được nhiều. Để tồn tại, thời gian qua Bamboo đã phải "tự thân vận động" bằng cách làm việc với tất cả các đối tác, các nhà cung cấp để yêu cầu giảm các khoản phí. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ trong ngắn hạn và đến nay các đối tác và nhà cung cấp đã bắt đầu yêu cầu Bamboo có kế hoạch trả nợ.

Do vậy, để vượt qua khó khăn, đại diện Bamboo đề nghị, các giải pháp giảm lãi suất của ngành Ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022; đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới. "Chúng tôi rất cần những giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách, sau đó có các khoản vay ưu đãi thì rất tốt", đại diện Bamboo Airway bày tỏ.

Tại cuộc họp, đại diện VietJet Air kiến nghị các ngân hàng nới room, cho vay với lãi suất thấp, gia hạn thời gian trả nợ cho ngành hàng không. Đại diện hãng hàng không Vietravel bày tỏ "các ngân hàng đã mở lòng rồi thì mở lòng thêm nữa" để chia sẻ và đồng hành với các doanh nghiệp hàng không. Còn đại diện Pacific Airlines đề nghị, có chính sách cho vay lãi suất thấp, cho vay tái cấp vốn ít nhất là đến hết năm 2022 để các doanh nghiệp hàng không có đủ tiềm lực vượt qua khó khăn.

Ngân hàng đã hỗ trợ hết khả năng

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - Ảnh: Bảo Đăng

Báo cáo tại buổi làm việc về tín dụng cho ngành hàng không được ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các TCTD, đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm, với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng và doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietnam Airlines, các TCTD (SeABank, MSB, SHB) đã thực hiện giải ngân cho Vietnam Airlines theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ..

"Các kết quả này thể hiện hỗ trợ rất lớn từ phía các TCTD đối với các hãng hàng không", ông Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank - Ảnh: Bảo Đăng

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, Vietcombank còn hỗ trợ cho cả hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không. Tính đến nay, dư nợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không tại Vietcombank là 16.000 tỷ đồng.

Về lãi suất, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đang cho các doanh nghiệp hàng không vay với lãi suất rất thấp. Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ là chủ yếu, chứ ngân hàng không có lãi.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV - Ảnh: Bảo Đăng

Cùng chung quan điểm, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng cho rằng, lãi suất cho vay với các doanh nghiệp hàng không là rất thấp, nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì margin là âm.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Trần Long kiến nghị: "NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai. Đây là khó khăn của ngân hàng khi tiếp tục cấp vốn, duy trì và gia tăng hạn mức cho các hãng hàng không".

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB - Ảnh: Bảo Đăng

Về phía MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, cấp tín dụng cho các hãng hàng không lỗ tạm thời thì ngân hàng có thể chấp nhận và ngân hàng cũng chấp nhận hy sinh về lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với hãng hàng không. Tuy nhiên, vì ngân hàng cũng phải đi vay để cho vay lại nên cần phải bảo toàn vốn. Khi cấp tín dụng mà không có phương án khả thi chứng minh nguồn trả nợ thì các ngân hàng khó cho vay.

Còn ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng sẵn lòng hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp hàng không nếu NHNN nới giới hạn tín dụng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Ảnh: Bảo Đăng

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đánh giá cao việc NHNN đã kịp thời tổ chức buổi làm việc, đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp hàng không và cả TCTD. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện ngành Ngân hàng đã tận dụng hết mức các công cụ chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành hàng không. Tuy nhiên, trong khi ngành Ngân hàng không còn dư địa để hỗ trợ, thì các nguồn khác lại chưa được tận dụng hết, ví như: Quỹ Phát triển DNNVV, giảm thuế, giảm phí...

Do đó, để giải quyết khó khăn các doanh nghiệp ngành hàng không đang gặp phải, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, cần đẩy mạnh hỗ trợ từ chính sách tài khóa. "Để hỗ trợ ngành hàng không cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ. Các Bộ, ngành cần phối hợp cùng với NHNN kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành hàng không. Qua đó tạo điều kiện cho ngành hàng không phục hồi và phát triển".

Chung tay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Bảo Đăng

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, với tình hình ngân sách hiện nay, phương án cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách cũng rất khó khăn. Do vậy, đại diện của Bộ đề nghị khi triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không, nếu thấy khó khăn thì ngành Ngân hàng có thể tổng hợp ý kiến và kiến nghị lên Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không.

Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Tiếp tục bám sát tình hình, lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời có các điều chỉnh quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và đảm bảo an toàn hệ thống.

NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. NHNN cũng sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng cho TCTD để cho vay thêm với các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Đối với các giải pháp vượt thẩm quyền của NHNN (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của NHNN đối với TCTD cho vay các hãng hàng không), Phó Thống đốc cho biết: "NHNN ủng hộ về chủ trương và đề nghị các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện".

Sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không

Kết luận phiên họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều giải pháp. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn, miễn, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. NHNN sẽ chủ động và sẵn sàng thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không.

Đối với các TCTD, Phó Thống đốc đề nghị coi việc cho vay hàng không là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Coi việc tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng từ nay tới cuối năm.

Đồng thời, các TCTD tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định trong Thông tư 14 cho tất cả khoản vay. Nếu tới ngày 30/6/2022 còn những khó khăn do khách quan và cần thiết có hỗ trợ thì sẽ xem xét để có điều chỉnh phù hợp. Phó Thống đốc cũng yêu cầu TCTD chủ động và có sự mạnh dạn nhất định trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.

Phó Thống đốc cũng lưu ý, TCTD cân nhắc duy trì hạn mức cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp hàng không nếu thấy là cần thiết cho việc duy trì ổn định của các doanh nghiệp này. NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên cơ sở các TCTD phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Phó Thống đốc mong muốn Hiệp hội Hàng không, doanh nghiệp hàng không, chia sẻ với ngành Ngân hàng, chung tay cùng ngành Ngân hàng để cùng nhau vượt qua khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng chủ động, tích cực chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO