Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Đồng Tháp đồng hành phát triển kinh tế địa phương

ThS. Trần Trọng Triết 24/10/2024 - 11:37

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, tình hình kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Để có được kết quả đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế “đất sen hồng” phát triển như hiện nay.

Đồng hành phát triển kinh tế địa phương

Trong suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình hành động của UBND tỉnh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai kịp thời cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Đánh giá diễn biến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp chia sẻ, tháng 9 có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, qua đó cho thấy sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương năm 2024.

Cụ thể, đến ngày 30/9/2024, huy động tiền gửi toàn tỉnh đạt 70.017 tỷ đồng, so với cuối năm 2023 tăng 1.727 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,53%; dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 114.372 tỷ đồng, so với cuối năm tăng 7.539 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,06%, đây được xem là mức tăng trưởng tín khả quan nhất trong 9 tháng đầu năm 2024, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát, chiếm tỷ lệ 1,22%/tổng dư nợ.

Trong đó, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 74.142 tỷ đồng, tăng 1.891 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chiếm trên 64% tổng dư nợ. Riêng chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản (hiện đã nâng quy mô Chương trình lên gói 60.000 tỷ đồng), doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt 293,59 tỷ đồng, dư nợ hiện là 283,13​ tỷ đồng, tăng hơn 2,18 tỷ đồng so với tháng trước.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số và hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 cũng được các chi nhánh ngân hàng thương mại quan tâm, tích cực triển khai, đặc biệt là phát động ra quân cùng tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn người dân các phương thức thanh toán trực tuyến, thực hiện các mô hình Tuyến phố không dùng tiền mặt, mở tài khoản cho học sinh tại các trường, mô hình “Căn tin không dùng tiền mặt”… và phát động cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số trên App e-Dongthap.

Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tạo nhiều chuyển biến mới

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp UBND huyện Tam Nông tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông năm 2024 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn huyện tiếp cận vốn tín dụng.

ong-vuong-tri-phong-giam-doc-nhnn-chi-nhanh-tinh-dong-thap-ong-phung-cong-thanh-pho-chu-tich-uy-ban-nhan-dan-huyen-tam-nong-dong-chu-tri-hoi-nghi..jpg
Ngành Ngân hàng Đồng Tháp đồng hành phát triển kinh tế địa phương

Tại Hội nghị, ghi nhận 11 lượt ý kiến phát biểu của đại diện các hợp tác xã, các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng, phòng ban nghiệp vụ UBND huyện Tam Nông và đại diện sở ngành, nội dung xoay quanh các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác xã, giải đáp các ý kiến thắc mắc của hợp tác xã về điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, vay vốn không tài sản đảm bảo, quy định cần thiết cũng như giới thiệu các phương án, mô hình mới trong sản xuất kinh doanh để hợp tác xã nghiên cứu, áp dụng trong thời gian tới… Đa số các hợp tác xã dự Hội nghị đều chưa có đề nghị vay vốn hoặc đề xuất nhu cầu vay vốn ngân hàng trước đây.

Phát biểu tại Hội nghị và quá trình trao đổi, giải đáp các ý kiến thắc mắc của hợp tác xã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã nhấn mạnh điều kiện tất yếu các hợp tác xã cần chuẩn bị trong quá trình tiếp cận vốn với các ngân hàng: báo cáo tài chính cụ thể đầu vào đầu ra, minh bạch cân đối kế toán, vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận theo đúng luật hợp tác xã, phương án kinh doanh rõ ràng, đảm bảo các quy định pháp lý, tài sản đảm bảo, nâng cao năng lực quản trị điều hành…

Đại diện các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn cũng tích cực tham gia giải đáp, hướng dẫn thêm các doanh nghiệp/hợp tác xã mạnh dạn tiếp cận, tạo sự kết nối, gặp gỡ với các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng kể cả khi chưa có nhu cầu vốn để có sự hướng dẫn, tư vấn các vấn đề pháp lý, đảm bảo hoạt động an toàn, đúng quy định để có sự thuận lợi trong quá trình mở rộng quan hệ tín dụng với các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để minh bạch dòng tiền, làm cơ sở để các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng thẩm định, xét duyệt cho vay không tài sản đảm bảo.

Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trên cơ sở bám sát nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Nghị quyết, Kết luận, chương trình hành động, kế hoạch của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg. Quyết tâm phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt và vượt mức 10%, góp phần phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn trong tiếp cận vốn tín dụng; đề xuất tạo group Zalo kết nối với các doanh nghiệp/hợp tác xã trên địa bàn huyện để kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cũng như phòng chuyên môn huyện làm đầu mối tham mưu lựa chọn hợp tác xả điểm trong sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn, hoàn thiện, đáp ứng các điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp và UBND các huyện, thành phố kết nối, tổ chức Hội nghị, các buổi làm việc với các hình thức phù hợp để tạo cơ hội gặp gỡ, nắm thông tin, trao đổi thẳng thắn, đầy đủ hơn từ phía doanh nghiệp/hợp tác xã để kịp thời giải đáp, tháo gỡ.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương của ngành Ngân hàng, của tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp đã triển khai các quy định mới liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng… nhằm giới thiệu, thông tin đến các doanh nghiệp/hợp tác xã sự cần thiết, tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống, hoạt động kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số tại địa phương.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng Đồng Tháp đồng hành phát triển kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO