Tin Hiệp hội Ngân hàng

Phát triển lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tài chính với hạ tầng thông minh và ứng dụng AI

VPĐD TP. HCM 04/04/2025 23:21

Nhằm cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất và tìm kiếm những giải pháp chiến lược để giúp các tổ chức tài chính khai thác tối đa lợi thế của AI và hạ tầng thông minh, ngày 3/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp cùng GreenNode, NVIDIA và VAST Data tổ chức Hội thảo “Phát triển lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tài chính với hạ tầng thông minh và ứng dụng AI”.

Hội thảo quy tụ các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng sự hiện diện của gần 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia công nghệ đến từ các ngân hàng, công ty tài chính, công ty fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn VNG.

anh-toan-canh.jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM nêu rõ, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) và hạ tầng thông minh không còn là xu hướng mà đã trở thành yếu tố thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với ngành Tài chính Ngân hàng - lĩnh vực luôn đòi hỏi sự đổi mới liên tục và khả năng thích ứng cao, việc ứng dụng AI và xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại sẽ tạo ra những đột phá lớn, từ tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng đến quản trị rủi ro, bảo mật dữ liệu và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.

Về mặt pháp lý, ông Nguyễn Hoàng Minh đề cập đến Nghị định 13/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân, là hành lang pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo rằng các tổ chức tài chính - ngân hàng khi ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là AI và dữ liệu lớn (Big Data), phải tuân thủ các nguyên tắc về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin khách hàng và an toàn hệ thống.

mr-minh.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM

Một trong những bước tiến quan trọng của quá trình chuyển đổi số là việc triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án là cơ sở để ngành Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ phát triển ngân hàng số, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử và thúc đẩy mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, với việc triển khai Ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID).

Đề án 06 đã giúp các đơn vị trong ngành Ngân hàng làm sạch, tạo lập kho dữ liệu chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tài chính và phòng chống tội phạm, tạo dựng niềm tin với người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính trên môi trường điện tử. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, như xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip và cập nhật xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng, đã nâng cao mức độ an toàn cho khách hàng. Qua đó, hơn 38 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học và làm sạch 43,9 triệu hồ sơ khách hàng cho Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC).

Về mặt pháp lý, ngày 31/10/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng, yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn TCVN 11930:2017 và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, và việc bắt buộc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Tại hội thảo, các chuyên gia công nghệ và tài chính khác đã có những thảo luận sôi nổi về các dự án AI đã áp dụng thành công, những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai, cùng gợi ý về các giải pháp tiên tiến khác.

Hội thảo đã mang đến những góc nhìn đa chiều và định hướng thiết thực về ứng dụng trí tuệ nhân tạo để các doanh nghiệp, tổ chức tài chính có thể áp dụng vào thực tế, tạo ra sự khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tài chính với hạ tầng thông minh và ứng dụng AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO