Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Khu vực 14 “tiếp sức” doanh nghiệp vượt qua khó khăn

ThS. Trần Trọng Triết 15/04/2025 - 14:52

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn tín dụng “rẻ” ngành Ngân hàng Khu vực 14 cố gắng “nén” việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng giúp kích thích nhu cầu vay vốn, qua đó tăng cường “dòng tiền chảy” vào khu vực kinh tế thực.

agribank-chao-don-khach-hang..jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vốn tín dụng ngân hàng là “mạch máu” của nền kinh tế, các biến động dù nhỏ trên thị trường tiền tệ, chính sách lãi suất cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và xuất, nhập khẩu...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2025 dư nợ tín dụng của địa bàn Khu vực 14 khoảng 387,5 tỷ đồng, tăng 1,49% so với đầu năm 2025. Tín dụng cho vay tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, chương trình thí điểm cho vay để thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ðồng thời, trên địa bàn khu vực có 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu tiếp giáp biển và có chương trình tập trung cho vay thủy sản, đánh bắt xa bờ. Ðến nay, các chương trình tín dụng tăng trưởng đúng hướng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và thủy sản chiếm tỷ lệ rất lớn trong khu vực.

Đáng chú ý, hiện nay, tất cả các chương trình tín dụng và hoạt động dịch vụ tín dụng của ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực vẫn diễn ra như trước đến nay. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí và rà soát lại tất cả những thủ tục, hồ sơ vay vốn theo hướng rút gọn nhất có thể để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cho biết, trong quý đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế và tín dụng ngân hàng đều đạt mức tích cực cho thấy tín hiệu lạc quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, thách thức. Nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đầu tư FDI,… nên với các căng thẳng thương mại đang diễn ra, việc Mỹ áp thuế sẽ có tác động lan tỏa toàn cầu, có thể làm cho kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Cùng với đó là sức ép điều hành chính sách tài chính, tiền tệ lên các quốc gia, do áp lực giá cả tăng, lạm phát tăng và việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế khó khăn hơn.

Vì vậy, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ… nhằm giảm chi phí, làm cơ sở xem xét giảm lãi suất vay, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất cho vay trong quý I/2025 giảm 0,4% nhờ kịp thời kiểm soát đà tăng của lãi suất huy động đầu vào, dự báo lùi nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II/2025 và cả năm. Lãi suất chính sách cũng không loại trừ khả năng giảm về mức thấp như thời kỳ đại dịch.

Theo ông Hà, việc biến động trên thị trường tỷ giá lại trở thành một yếu tố đáng lo ngại, đặc biệt sau khi mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ gây ra làn sóng bất ổn mới trên thị trường.

“Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4,5%. Tuy nhiên, xu hướng đang nghiêng về khả năng giảm lãi suất, do áp lực suy giảm từ hoạt động kinh doanh và xuất khẩu, trong bối cảnh mức thuế từ Mỹ có thể ảnh hưởng nền kinh tế Việt Nam” ông Hà đánh giá.

Việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp là một công cụ quan trọng, dù không phải duy nhất. Lãi suất thấp giúp kích thích nhu cầu vay vốn, qua đó tăng cường dòng tiền chảy vào khu vực kinh tế thực.

Tuy nhiên, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất đang dần thu hẹp trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nguồn cung ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng do kim ngạch xuất khẩu suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ có thể vẫn cao, tạo áp lực lớn lên tỷ giá và đẩy đồng USD tăng so với VND.

Vì vậy, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ… nhằm giảm chi phí, làm cơ sở xem xét giảm lãi suất vay, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhờ đó kim ngạch kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu ngoại tệ TP. Cần Thơ ước đạt 213,9 triệu USD, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thống kê TP. Cần Thơ cho thấy, số liệu lũy kế quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu ngoại tệ của thành phố đạt 633,6 triệu USD, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 27,55% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 142,4 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 25,43% kế hoạch.

Theo ông Hà, chủ trương tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước mang đến nhiều cơ hội, động lực để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức đặc biệt là việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chính sách hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa được cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ, các khoản ưu đãi đầu tư của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị truy thu… Qua đó, doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, cập nhật các thông tin mới về bộ máy chính quyền, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như kịp thời kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp đến chính quyền thành phố. Tôi tin rằng, nếu cộng đồng doanh nghiệp được hỗ trợ, động viên kịp thời sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số của thành phố trong năm nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng Khu vực 14 “tiếp sức” doanh nghiệp vượt qua khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO