Ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Ngô Hải| 10/09/2020 16:22
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 10/9/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tầm quan trọng của tài chính toàn diện đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu. Liên Hợp Quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030… Tại Việt Nam, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam và đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Thư của Hoàng hậu Hà Lan gửi tới NHNN (ngày 30/3/2020) thể hiện đánh giá cao của bà về những nỗ lực thực hiện tài chính toàn diện tại Việt Nam. Bức thư có đoạn: Những tiến triển trong tài chính toàn diện tại Việt Nam hết sức đáng khích lệ. Tôi rất vui khi được nghe Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện. Cam kết của Việt Nam là yếu tố nền tảng quan trọng để đạt được những thành công này. Các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi nhằm đạt được mục tiêu tài chính toàn diện cho 80% dân số trưởng thành vào năm 2025.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Tại hội nghị, các diễn giả đều nhận định, việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Trong những năm qua, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… đã cho thấy một trong những mục tiêu tiên quyết của Chính phủ Việt Nam là: “Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh đến tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản”.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP); Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP); Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016)… Ngoài ra, nhiều chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở những vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

“Việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được xem là một bước tiến quan trọng, không chỉ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua mà còn hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược và là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, ngày 24/7/2020, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị.  

Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cho người dân

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô bàn nhiều giải pháp để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.

Bàn về giải pháp, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, nhấn mạnh đến vai trò của việc mở rộng số lượng người tiếp cận tài chính toàn diện với chi phí hợp lý, dịch vụ đáng tin cậy. “Để làm được điều đó, mọi dịch vụ ngân hàng đều được làm trên chiếc điện thoại di động. Chừng nào chúng ta không làm được điều đó có nghĩa là chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu

Cũng đề cập đến việc mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô cho người dân, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM), cho biết TYM đã điều chỉnh Chiến lược phát triển tổ chức, theo đó tập trung vào một số nội dung chính như: Đa dạng hóa sản phẩm, hợp tác với các tổ chức tín dụng và Fintech, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực cho thành viên, đặc biệt về lĩnh vực công nghệ số…

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM)

Còn tại Agribank, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ hướng tới đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, theo hướng: Đa dạng các kênh phân phối, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng; sắp xếp hệ thống mạng lưới hoạt động các kênh phân phối truyền thống tại chi nhánh, quầy giao dịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm giao dịch lưu động, tổ vay vốn…

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, trên cơ sở phối hợp đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và tư nhân, trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Đây cũng đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vững của ngành Ngân hàng.

Lồng ghép nội dung của Chiến lược và Kế hoạch hành động

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đề ra, bà Hà Thu Giang Phó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng, ngành Ngân hàng cần có sự đồng hành của một số bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ đặt ra. Trên cơ sở đó, bà Giang kiến nghị: Bộ Tài chính nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; hay Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với NHNN trong việc tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước và của ngành Ngân hàng…

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính... Ngoài ra cần áp dụng các nhóm giải pháp về phía người tiêu dùng tài chính và các giải pháp hỗ trợ khác như xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tài chính toàn diện…

Bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu: “Tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra”.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả vào Chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đặc biệt, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO