Để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những doanh nhân của doanh nghiệp "sếu đầu đàn" Việt Nam vẫn đang không ngừng vươn mình, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng giới thiệu những chia sẻ, mong muốn của lãnh đạo doanh nghiệp "sếu đầu đàn" về chính sách thời gian tới.
Chủ tịch VinGroup: Rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục
Nhằm phát triển nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT VinGroup đề xuất, Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.
Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Chủ tịch HĐQT VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn.
"Việc này có thể giúp rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác quy hoạch", ông Phạm Nhật Vượng nói.
Đồng thời, ông Vượng kiến nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch VinGroup đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu đẩy mạnh được vấn đề này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.
"Sản lượng của VinFast hiện nay là 8.000 xe/năm, sang năm là 200.000 xe, rõ ràng là vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện đó. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển", ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel: Kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa Việt Nam
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định, việc đầu tư ra nước ngoài đã góp phần định vị Viettel trên thương trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 13 quốc gia với 24 dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh viễn thông, nghiên cứu phát triển, xây lắp, bưu chính với tổng số vốn là 1,5 tỷ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là các dự án viễn thông của Tập đoàn.
Cùng với hiệu quả về kinh tế, Viettel cũng xác định đầu tư ra nước ngoài gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, từ đó giúp thúc đẩy ngoại giao văn hoá, đối ngoại quốc phòng, lan toả hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu của Việt Nam ra quốc tế.
Khẳng định sự phấn khởi, vui mừng khi Thủ tướng nhấn mạnh đến những điểm tựa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tào Đức Thắng kiến nghị, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa Việt Nam, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư.
"Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tào Đức Thắng nói.
Cùng với đó, người đứng đầu Viettel cũng lưu ý việc nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
Đồng thời, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.
Chủ tịch HĐQT Thaco Group: Cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam
Theo Chủ tịch HĐQT Thaco Group Trần Bá Dương, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.
Ô tô xanh, tiện ích đang là xu hướng. Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.
Về công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương nhận định để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề và Thaco đã sớm phát triển lĩnh vực cơ khí.
"Đối với công nghiệp hỗ trợ, mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu", Chủ tịch Thaco kiến nghị.
Phó Chủ tịch HĐQT Masan Group: Rà soát lại điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán
Với lĩnh vực chứng khoán, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan (Masan Group) cho rằng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn có chi phí tốt và linh hoạt hơn nhưng đảm bảo tính quản trị rủi ro của hệ thống thì giải pháp là thu hút nguồn vốn dài hạn với chi phí huy động thấp từ nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thị trường vốn ngoài ngân hàng.
"Tiếp tục mở rộng thị trường vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với khả năng huy động vốn chi phí thấp và có khả năng đầu tư dài hạn sẽ giúp giảm chi phí vốn của doanh nghiệp", ông Nguyễn Thiều Nam nói.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài Chính trong việc nâng hạng thị trường Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi", lãnh đạo Masan kiến nghị Chính phủ rà soát lại điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán để phù hợp hơn với những mô hình kinh doanh mới, có thể tham khảo sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ là nơi niêm yết của những công ty công nghệ.
Chủ tịch Petrovietnam: Thực hiện 3 nhiệm vụ lớn của kinh tế nhà nước
Nói về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khẳng định, bên cạnh thực hiện sứ mệnh của doanh nghiệp, thực hiện theo cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác thì còn góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ lớn của kinh tế nhà nước là: Khắc phục khuyết tật của kinh tế thị trường; bảo đảm công bằng xã hội và bảo đảm kinh tế vĩ mô.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, các Tập đoàn kinh tế nhà nước có mặt trong các lĩnh vực trọng yếu, quốc phòng an ninh, năng lượng, dầu khí, hàng không, cảng biển… và nhiều địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, lợi nhuận thấp.
Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn và tài sản, nhân lực, công nghệ. Thời gian qua, vượt lên khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn cho nền kinh tế, góp 28% ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội.