Thứ Bảy, 15/2/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
TRAO ĐỔI VỚI TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025, BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN CHÍ DŨNG ĐĂ ĐƯA RA CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ TRỢ LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NĂM 2025, PHẤN ĐẤU TỶ TRỌNG ĐÓNG GÓP CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN VÀO GDP ĐẠT KHOẢNG 55%.
TRAO ĐỔI VỚI TẠP CHÍ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIỀN TỆ NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025, BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN CHÍ DŨNG ĐÃ ĐƯA RA CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN VÀ TRỢ LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NĂM 2025, PHẤN ĐẤU TỶ TRỌNG ĐÓNG GÓP CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN VÀO GDP ĐẠT KHOẢNG 55%.
Phóng viên: Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc tới cải cách thể chế và xem đây là một động lực đưa Việt Nam bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Là cơ quan tiên phong trong cải cách, Bộ trưởng nghĩ thế nào về việc cải cách để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, hình thành những doanh nghiệp dẫn dắt và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nước ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để. Ngoài ra, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.
Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỉ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.
Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỉ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nền kinh tế.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là những “doanh nghiệp đầu đàn”, “doanh nghiệp dân tộc”. Đây là các doanh nghiệp lớn mạnh về quy mô, năng lực quản trị chuyên nghiệp chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới, đồng thời có thể tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, tạo sự lan toả, kết nối lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, tạo xung lực mới để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trong thời gian tới, với góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới.
Do đó, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp dân tộc trong những ngành, lĩnh vực có tác động dẫn dắt, lan tỏa, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế, tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng, dịch vụ logistics, công nghiệp mới, năng lượng sạch như hydrogen xanh, chíp bán dẫn…, nguyên liệu mới, nông nghiệp thông minh, hiệu quả cao để tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế.
Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những giải pháp phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để phát triển các doanh nghiệp dân tộc, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, khuyến khích những người doanh nhân chân chính. Doanh nhân là người không những có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước, mà còn có lòng tự tôn dân tộc, tính trung thực, đạo đức tiến bộ, năng lực quản lý hiện đại nhằm giải quyết hài hòa quan hệ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp lợi ích nhà nước và xã hội, đáp ứng chuẩn mực mới về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thích ứng với các xu hướng phát triển quốc tế.
Thứ hai, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, cởi trói, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực khu vực tư nhân để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Thứ ba, cùng với xu hướng của Công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần phải được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo, phải được hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh vững chắc trong những thập niên sắp tới. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao. Việc tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp này sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong tương lai.
Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung nguồn lực để mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập M&A. Đây là một trong những con đường ngắn nhất để giúp các doanh nghiệp tích tụ nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh vốn ngân hàng; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, xây dựng hệ thống thông tin và dữ liệu cập nhật nhằm phục vụ cho việc đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, xác định giải pháp hỗ trợ phù hợp cũng như cảnh báo sớm những dấu hiệu tiêu cực.
Thứ năm, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong các hoạt động R&D trong doanh nghiệp. Với năng lực hiện tại của khu vực tư nhân Việt Nam, việc tự nghiên cứu và phát triển công nghệ là rất khó khăn do nhu cầu vốn lớn và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, cần thiết nghiên cứu và xây dựng những mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động R&D của khu vực doanh nghiệp. Đây là mô hình hợp tác đã được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Mỹ, Đức, Nhật Bản, Đài Loan…).
Phóng viên: Năm 2025, Chính phủ đề ra kế hoạch phấn đấu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%. Bộ trưởng nhận định như thế nào về mục tiêu này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.
Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hàng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để đạt được những mục tiêu trên, sẽ cần có sự vào cuộc hết sức quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách để khơi thông nguồn lực của khối tư nhân.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật, tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất kinh doanh, không ngừng đổi mới, sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, góp phần đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phóng viên: Đâu sẽ là giải pháp để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp. Do đó, trong năm 2025, để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các doanh nghiệp, cần tập trung vào 5 giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi…; rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khẩn trương ban hành Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech).
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành sản xuất chip, bán dẫn, công nghệ số…, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,… kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Thứ năm, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Lê Ngọc (thực hiện)