Kết nối

Trong 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có hơn 20% là do phụ nữ làm chủ

Minh Nhật 13/08/2024 - 13:00

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2024-2027 vào chiều ngày 12/8.

Phát biểu tại buổi ký kết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực doanh nghiệp và kinh tế tập thể của Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hiện nay, nước ta có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là gần 34.000 hợp tác xã, 160 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác đang từng bước mở rộng và phát triển, là chủ thể quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới, cùng với khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

bo-khdt.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Nhận định về vai trò của doanh nhân nữ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nhân nữ đã luôn chủ động, nỗ lực vượt qua các rào cản, định kiến giới để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn dịch bệnh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực mới, khó vốn được coi là thế mạnh của nam giới như: logicstic, cầu đường, xây dựng, quản lý khu công nghiệp, công nghệ thông tin và cả lĩnh vực hàng không…

Do vậy, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2024-2027 ra đời với mục tiêu tăng cường sự phối hợp nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý.

Đồng thời, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã năm 2023 và thực hiện các Đề án của Chính phủ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

ky-ket.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2024-2027

Thông qua các hoạt động phối hợp, Chương trình mong muốn góp phần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ..., góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.

Chương trình gồm 4 nội dung chính, gồm:

Một là, xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể.

Phối hợp trong xây dựng, đề xuất các chính sách, các đề án nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, trong đó tập trung các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo nhiều việc làm cho lao động nữ… thông qua các đơn vị truyền thông (báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử…) của hai bên nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ cả nước, tích cực khởi nghiệp, phát triển kinh tế góp phần góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.

Hai là, phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ.

Trong đó, đẩy mạnh nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ/các nữ chủ doanh nghiệp về Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản liên quan, trong đó tập trung các nội dung nhằm đẩy mạnh sự tiếp cận và thụ hưởng về các chính sách ưu tiên cho các DNNVV, hộ kinh doanh do nữ làm chủ theo quy định của Luật và các Chương trình, Đề án, Dự án khác có liên quan.

Tổng hợp, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho DNNVV do nữ làm chủ trong quản trị phát triển nguồn nhân lực; quản trị kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Phối hợp tổ chức Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đồng thời hỗ trợ để các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ đủ điều kiện tham gia chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình khác có liên quan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hàng năm.

Ba là, phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

Cụ thể, phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên, ban lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, cán bộ Hội các cấp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, tổng hợp, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý và phát triển, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

Bốn là, phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai bên. Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu, tham gia các hoạt động nghiên cứu giữa hai Bên để kịp thời đề xuất với Đảng và Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và các vấn đề liên quan đến hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ và các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp/hộ kinh doanh do nữ làm chủ.

Cùng với đó, phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của hai Bên.

Sau khi văn bản được ký kết, căn cứ nội dung phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện, chỉ đạo theo ngành dọc triển khai Chương trình phối hợp đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích đề ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có hơn 20% là do phụ nữ làm chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO