Việc Trung Quốc chi tiêu quá mức vào tài trợ ngành năng lượng tái tạo, gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung không chỉ ở nội địa mà lan sang châu Âu.
Tấm pin mặt trời đã trở nên rẻ đến nỗi mà nó được sử dụng để làm hàng rào trong vườn tại Hà Lan và Đức. Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất tấm pin mặt trời tại Trung Quốc đã tạo ra tình trạng bão hòa trên thị trường toàn cầu.
Khi được sử dụng làm hàng rào, các tấm pin mặt trời này không thu hút nhiều ánh nắng mặt trời như khi lắp đặt trên mái nhà, tuy nhiên nó lại là lựa chọn tốt nhất của những người trong cuộc.
Chuyên gia hàng đầu về năng lượng mặt trời tại tổ chức BloombergNEF, bà Jenny Chase, phân tích: "việc sử dụng tấm pin mặt trời làm hàng rào là kết quả trực tiếp từ việc giá của nó quá rẻ, vì vậy người dân sẵn sàng để nó ở mọi nơi mà họ muốn. Tấm pin mặt trời rẻ nhưng chi phí lắp đặt lại rất đắt, do vậy, chẳng tội gì mà không để nó khắp nơi, vẫn có năng lượng mà không phải tốn nhiều tiền lắp”.
Nguồn cung các tấm pin mặt trời sẽ đạt mức 1.100 gigawatts vào cuối năm nay, gấp 3 lần so với nhu cầu dự báo thực tế, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tình trạng thừa mứa trong sản xuất ở Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất đằng sau việc này.
Chi phí lắp đặt các tấm pin mặt trời này ngày một đắt đỏ hơn, chủ yếu bởi chi phí lao động leo thang, ngoài ra thời gian kết nối vào lưới điện quốc gia cũng rất lâu, thử thách lòng kiên nhẫn của ngành năng lượng và các chủ hộ gia đình. Vấn đề năng lực của lưới điện đang ảnh hưởng đến phần lớn các nước và không thể sớm được giải quyết.
Công ty Trung Quốc Longi Green Energy Technology, một trong những doanh nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới, gần đây công bố đã sa thải hàng nghìn nhân lực bởi tình trạng dư thừa nguồn cung đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này của Trung Quốc đồng loạt khó khăn.
Tại châu Âu, các chuyên gia ngành cũng đang cảnh báo về nhũng vấn đề trong ngành năng lượng mặt trời đã dẫn đến tình trạng mất việc làm, phá sản và đóng cửa doanh nghiệp trong những tháng gần đây.
Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ đánh giá mọi bằng chứng có thể liên quan đến hành vi cạnh tranh thiếu bình đằng, đồng thời tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp sản xuất tấm pin mặt trởi tiếp cận với nguồn vốn của EU, theo tài liệu mà Financial Times và các bộ trưởng năng lượng các nước châu Âu công bố vào ngày 15/4.
Việc Trung Quốc chi tiêu quá mức vào tài trợ ngành năng lượng tái tạo, gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung không chỉ ở nội địa mà lan sang châu Âu.
Theo công ty theo dõi dữ liệu OPIS - thuộc sở hữu của Dow Jones, trong năm 2023 tại Trung Quốc, giá polysilicon - vật liệu làm ra các tấm pin mặt trời - đã giảm 50% và các tấm pin hoàn thiện giảm 40%. Khoảng nhiều tháng nay, đã xuất hiện nhiều lo ngại vỡ "bong bóng xanh", ám chỉ sụp đổ giá thiết bị năng lượng xanh do cung vượt cầu.
BloombergNEF ước tính, chính quyền Bắc Kinh đã chi gần 80 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng số đầu tư vào sản xuất thiết bị năng lượng sạch toàn thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, tổng chi tiêu hàng năm của nước này cho năng lượng xanh đã tăng hơn 180 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2019.
Tiền tài trợ dồi dào đã thu hút nhiều công ty ngoài ngành nhảy vào. Mùa hè năm ngoái, Tập đoàn sữa Royal Group công bố kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD sản xuất pin mặt trời. "Tiềm năng thị trường là rất lớn", Royal Group phân tích.