Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt về nông thôn

ThS. Trần Trọng Triết 26/03/2025 10:40

Ngày nay thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã trở nên phổ biến không chỉ ở các cửa hàng mà còn “len lỏi” ở khắp mọi ngõ phố, đời sống thường ngày. Từ việc trả tiền gửi xe, uống cà phê buổi sáng hay chiều, người dân đã dễ dàng thanh toán online bằng nhiều hình thức, giờ đây thật khó để tìm thấy một nơi buôn bán không đặt mã QR thanh toán.

atm.jpg

Thực tế trên địa bàn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau) đã hình thành “Chợ thông minh 4.0-Không dùng tiền mặt” tại các chợ xã/huyện/phường/thành phố/thị xã; cùng với đó là mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt” tại trung tâm thành phố trên địa bàn khu vực, 100% các cửa hàng kinh doanh đã thực hiện TTKDTM. Những hộ kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, hàng quán người dân đã quen với việc không sử dụng tiền mặt trong hoạt động thường ngày.

Đáng chú ý, từ khi bắt đầu triển khai mô hình TTKDTM, việc mua bán trở nên thuận tiện, cửa hàng không lo tích trữ tiền lẻ để trả lại cho khách, quá trình thanh toán diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Ông Trần Văn Phước, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 cho biết, trên địa bàn khu vực hiện có 1.019 máy ATM, 6.741 máy POS, các tổ chức tín dụng trên địa bàn không ngừng đẩy mạnh công tác TTKDTM với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng luôn đưa ra cảnh báo tới khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo của các nhóm tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng để khách hàng cảnh giác tránh để lọt mật khẩu, mã OTP cho kẻ gian dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản.

Nhờ đó, hoạt động TTKDTM trên địa bàn đã diễn ra sôi động và đạt nhiều kết quả tích cực. Thống kê cho thấy, giao dịch TTKDTM trên địa bàn trong năm 2024 tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị so với cuối năm 2023, trong đó: kênh Internet Banking tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; Mobile Banking tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị; QR Code tăng 60% về số lượng và 65% về giá trị.

Những con số tăng trưởng ấn tượng nêu trên là “trái ngọt” của quá trình đầu tư hạ tầng, công nghệ phục vụ cho thanh toán số của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua. Các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đang ngày càng cho ra mắt những công nghệ thanh toán mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đơn cử như mới đây nhất, NAPAS đã chính thức ra mắt dịch vụ thanh toán di động Tap & Pay - giải pháp số hóa thẻ NAPAS trên ứng dụng ngân hàng. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh thực hiện các giao dịch thanh toán chỉ trong vài giây thay vì phải mang theo chiếc thẻ vật lý. Trước đó, một số ngân hàng cũng đã triển khai thanh toán một chạm với thẻ quốc tế. Điển hình như VPBank phối hợp Mastercard ra mắt tính năng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản (Pay by Account), đón đầu xu hướng đang được triển khai tại nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Anh…

Trải nghiệm của khách hàng với các công nghệ thanh toán ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn nhưng song hành với đó là việc đảm bảo an toàn, bảo mật của các giao dịch số. Thấu hiểu được điều này, các nhà băng cũng không ngừng nâng cao giải pháp bảo vệ khách hàng của mình. Nổi bật phải kể đến “chiến dịch” xác thực sinh trắc học đang được ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Với sự vào cuộc rốt ráo của các ngân hàng, số lượng khách hàng xác thực sinh trắc học liên tục tăng.

Theo đại diện các ngân hàng có mặt tại Khu vực 15, việc nhanh chóng hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính, đồng thời tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Về phía các ngân hàng sẽ liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng công nghệ để hỗ trợ khách hàng thực hiện việc cập nhật sinh trắc học tiện lợi và dễ dàng nhất.

Có thể thấy, công nghệ thanh toán số, thanh toán một chạm và dịch vụ thanh toán di động đang không ngừng phát triển, mang lại sự tiện lợi và nhanh chóng cho người dân. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển mạnh mẽ này là yêu cầu bảo mật giao dịch, đòi hỏi các ngân hàng và tổ chức tài chính phải chú trọng đến việc triển khai các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Việc hoàn tất quy trình xác thực sinh trắc học là một bước quan trọng trong việc bảo vệ khách hàng, đồng thời tạo ra môi trường thanh toán số an toàn và tin cậy hơn trong tương lai.

Ông Trần Văn Phước cho biết, thời gian tới ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh công tác TTKDTM về nông thôn, phổ cập số hóa thanh toán dịch vụ ngân hàng cho người dân một cách an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt về nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO