(thitruongtaichinhtiente.vn) - Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông xuất khẩu hàng hóa bị đình trệ. Không ít doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động. Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng và làm gia tăng áp lực nợ xấu tại ngân hàng.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của NHNN với toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, các TCTD đánh giá mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể có tới 50,5% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro “tăng” trong quý III, 33,7% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro “tăng” trong quý IV và 50,5% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro “tăng” trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro “tăng” ở kỳ điều tra trước. Tỷ lệ TCTD nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi NHNN tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý.
Lo ngại trên của các ngân hàng hoàn toàn có cơ sở. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông xuất khẩu hàng hóa bị đình trệ. Không ít doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng vừa qua có tới 45,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp còn hoạt động cũng đang đối mặt với không ít khó khăn do đại dịch gây ra, doanh thu, dòng tiền sụt giảm.
Điều đó đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng và làm gia tăng áp lực nợ xấu tại ngân hàng. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh; nhưng thực chất những khoản nợ được cơ cấu lại đó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.
Tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng. Con số trên sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, cũng đồng nghĩa rủi ro nợ xấu tiềm ẩn cũng tăng theo.
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
Lường trước được rủi ro có thể phát sinh, NHNN đã yêu cầu các TCTD phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định (không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ) và thực hiện trích lập phần dự phòng rủi ro cụ thể phải trích bổ sung trong vòng 3 năm để có nguồn lực xử lý rủi ro nợ xấu.
Trong văn bản mới nhất gửi tới các TCTD, NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro. Trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế hoặc không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ. Qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
Tại dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu hoàn thành cơ cấu lại các TCTD, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3%. Theo đánh giá của giới chuyên môn mục tiêu này là thách thức rất lớn bởi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết lúc nào mới kết thúc. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong năm 2021, thì tác động của nó vẫn có thể kéo dài sang cả năm 2022 thậm chí là cả năm sau nữa, nên ngành Ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần phải xem lại mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3% vì nguy cơ nợ xấu gia tăng đã rất rõ. “Các giải pháp xử lý nợ xấu phải khác và phải sửa rất nhiều luật lệ để có thị trường mua bán nợ mới được. Nếu không thì sẽ còn mất nhiều năm nói về nợ xấu”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Một giải pháp được giới chuyên môn rất kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu cho các TCTD là luật hóa xử lý nợ xấu. “Tình hình kinh tế như hiện nay thì nợ bình thường còn khó thu, nợ xấu lại càng khó khăn hơn. Để giải bài toán khó hiện nay là phải đưa ra được cơ chế chính sách đủ mạnh mới có thể vừa giải quyết vấn đề trước mắt của nền kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính quốc gia”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.