(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong thời gian qua, vấn nạn "tín dụng đen” đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Nhiều người dân do nhu cầu cần thiết của cuộc sống đã không chủ động tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng mà lại nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Nhiều trường hợp ban đầu chỉ vay vài triệu hoặc chục triệu đồng nhưng đến khi số tiền đã trả lên đến hàng trăm triệu đồng mà “nợ vẫn hoàn nợ”.

Nhiều trường hợp đi vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cho người gây sức ép, tổ chức bôi nhọ, làm nhục, bắt giữ người trái pháp luật… Thậm chí có trường hợp do không chịu được sức ép do các đối tượng cho vay nên đã tìm đến cái chết. Vậy “tín dụng đen” là gì?

Đề cập đến vấn nạn 'tín dụng đen” tại Hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen” tại tỉnh Hoà Bình, Trung tá Ngô Hồng Vương, Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết: tại Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã xác định: "tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Có thể thấy, “tín dụng đen” thường có 4 đặc điểm sau: (1) Là hình thức cho vay hoặc đi vay dân sự, hoặc huy động vốn; (2) Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định; (3) Được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính; (4) Việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Đặc trưng cơ bản để xác định và nhận diện  “tín dụng đen” là:

(1) Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định: Lãi suất tại Điều 468 Bộ luật Dân sự. Theo đó, trần lãi suất cao nhất là 20% (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác). Bên cạnh đó, Nghị định số 19/2019 /NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường cũng hướng dẫn chi tiết về lãi, lãi suất trong hình thức chơi hụi, họ; Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm cũng giải thích các trường hợp cụ thể về lãi suất. Điều 201 Bộ luật hình sự quy định lãi suất vượt quá 05 lần lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự - BLDS (được hiểu là 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bạo lực gia đình cũng quy định hình thức xử phạt hành vi cho vay lãi nặng của các cơ sở kinh doanh cầm đồ.

Như vậy, nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì được coi là vi phạm. Tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong "tín dụng đen" thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm.

Không khó bắt gặp quảng cáo của các đối tượng cho vay tín dụng đen

(2) Việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường đi cùng với các hành vi như: bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.

Bên cạnh đó là việc sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê. Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê, số người này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Hoạt động "tín dụng đen" thường gắn với tội phạm có tổ chức. Để siết nợ, các chủ nợ thường thuê các đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mặc dù bên ngoài hoạt động hợp pháp, số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng số nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê hoặc đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng có tiền án tiền sự để thực hiện các hành vi đòi nợ. Các đối tượng này được sự tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư thoái hóa, biến chất, dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, nhằm làm nhục, mất uy tín, gây phiền nhiễu, ảnh hưởng đến kinh tế của con nợ, gây hoang mang, bức xúc cho người dân xung quanh nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc rất khó để xử lý hình sự, còn nếu xử lý hành chính thì chế tài không đủ sức răn đe. Như vậy, trong hoạt động cho vay dân sự, khi có 2 đặc trưng trên chúng ta xác định đó là hoạt động “tín dụng đen”.

Thủ đoạn của "tín dụng đen"

Ở Việt Nam, hiện nay nổi lên một số thủ đoạn như sau:

(1) Phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng điện thoại di động... đăng tin quảng cáo vay cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngày, tiền không với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

(2) Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động tín dụng đen qua mạng internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao; 

(3) Vay trực tuyến, vay ngang hàng (còn gọi là P2P Lending - Peer to Peer Lending, thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính - Fintech) là hình thức vay thông qua các ứng dụng di động (giống như ứng dụng đặt xe Grab, Uber) vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác (như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng, yêu cầu bị hại viết giấy bán tài sản sau đó thuê lại chính tài sản mình đã bán để sử dụng làm bằng chứng để tố cáo con nợ chiếm đoạt tài sản nếu không trả nợ đúng hẹn với cơ quan công an ...

(4) Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cư ngụ ở một nơi nhưng tổ chức hoạt động ở những địa phương khác, sau khi thực hiện hành vi cho vay, các giấy tờ, hợp đồng này được cất giấu ở một địa điểm khác thường là những khu nhà chung cư có bảo vệ, sử dụng thẻ từ, camera theo dõi để tránh sự theo dõi, tiếp cận, kiểm tra của lực lượng công an, định kỳ các đối tượng rà soát các giấy tờ, hợp đồng đã trả nợ xong thì tiêu hủy, phi tang nhằm tránh bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ. Khi trả, nhận tiền được thông qua hình thức gặp mặt trực tiếp, không chuyển khoản qua ngân hàng để tránh để lại dấu vết.

Nếu các con nợ không trả nợ đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng giang hồ bên ngoài tổ chức các hình thức như: Đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần như ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ... nhưng chưa đến mức xử lý hình sự song lại gây sự sợ hãi, hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và bức xúc cho quần chúng nhân dân xung quanh.

Nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa nên không dám tố cáo, hợp tác, cung cấp tài liệu với cơ quan công an. Đặc biệt tinh vi là chúng còn thành lập các công ty có chức năng đòi nợ thuê được nhà nước cấp phép hoạt động, thực chất là các băng nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp, mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án...) thoái hóa, biến chất đã nghỉ hưu, tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ của chúng, thậm chí còn cho các đối tượng ăn mặc lịch sự mang giấy giới thiệu đến công an cấp cơ sở đề nghị phối hợp để thực hiện hành vi đòi nợ, khi thực hiện hành vi đòi nợ thì lại sử dụng đối tượng lưu manh, xăm trổ để đòi nợ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện “tín dụng đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO