(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Đi cùng sự phát triển của công nghệ, loại hình "tín dụng đen" mới - cho vay trực tuyến qua mạng internet - đã nở rộ, gây nhiều tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.
Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần cài đặt app trên điện thoại thông minh, cung cấp chứng minh thư, danh bạ điện thoại, người vay dễ dàng vay được cả chục triệu thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng hệ lụy đằng sau là lãi suất cắt cổ lên tới cả nghìn % một năm, bị khủng bố điện thoại ngày đêm khi không trả nợ đúng hạn, ảnh hưởng đến cả người thân và gia đình, nhiều người thậm chí đã tìm đến cái chết.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, tình trạng cho vay và khủng bố qua mạng đang là một vấn đề mà các cơ quan chức năng rất khó xử lý. Bởi thường rất khó xác định, định danh được những cá nhân, tổ chức cụ thể, những dữ liệu điện tử; nhiều lúc các nạn nhân không biết cách để thu thập lại thông tin, để chứng minh cho những yêu cầu của mình. Điều này đang để lại những hệ lụy xấu cho người dân, quan trọng hơn đó là làm cho môi trường thương mại điện tử trong sạch không thể phát triển nổi.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen qua app, có đường dây với số lượng khách hàng lên đến cả nghìn người. Kẻ cầm đầu là người trong nước và có cả người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc.
Lỡ "đụng" vào các app vay tiền nhanh là người dùng đã rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen". (Ảnh minh họa) |
Theo Luật sư Truyền, mô hình cho vay qua app phát triển khá mạnh ở Trung Quốc và sau đó đã bị chính quyền và pháp luật nước sở tại xử lý một cách quyết liệt vào năm 2018-2019. Các đối tượng này đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng như: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia,…
“Tại Việt Nam chưa có một thống kê cụ thể nào về việc có bao nhiêu app, công ty, tổ chức, cá nhân có chủ sở hữu là người nước ngoài. Điều này gây ra sự nguy hiểm đối với an ninh tiền tệ của nước ta, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và đặc biệt là đối với người dân nghèo yếu thế khó tiếp cận được với những nguồn tài chính minh bạch” - ông Truyền nói.
Thực tế cho thấy vẫn còn những khoảng trống pháp lý, là cơ sở để nạn tín dụng đen tiếp tục hoành hành. Theo pháp luật Việt Nam, lãi suất tối đa được quy định là 20%/năm. Căn cứ theo điều 201 BLHS năm 2015, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định thì có thể bị xem xét xử lý về tội cho vay nặng lãi.
“Các đối tượng khi cho vay thường áp đặt nhiều loại phí khác nhau, đặc biệt họ lơi dụng mô hình B2B – cho vay ngang hàng để cung cấp dịch vụ tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Đặc biệt là ở Việt Nam hiện tại chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý nào cho mô hình vay ngang hàng như vậy.” – Luật sư Truyền phân tích.
Đáng lo ngại có những tổ chức, đường dây núp dưới danh nghĩa là công ty tài chính, tư vấn tài chính đã được cấp phép, lợi dụng hình thức cho vay ngang hàng để đánh lừa người dân và qua mặt cơ quan chức năng.
Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, chúng ta đã tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi làm ăn, kinh doanh, nhưng việc kiểm tra giám sát sau đó của các cơ quan chức năng hầu như đang bị buông lỏng, thiếu sự quản lý đồng bộ, mang tính hình thức. Hiện nay, chưa có một chế tài đầy đủ, hình thức quản trị triệt để nào để kiểm soát hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp này.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
Với sự nở rộ và ngày càng phức tạp của hoạt động tín dụng đen, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giải pháp trước mắt đó là người dân cần phải tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi chấp nhận giao dịch.
“Nếu bất kì app, phần mềm, công ty nào đưa ra những điều kiện mập mờ, thì chúng ta cần phải từ chối ngay việc giao dịch với các app như vậy”- ông Truyền lưu ý.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, những chế tài xử lý phù hợp. Theo đó cần phải sớm có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an để ra được một Thông tư, văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật có thể xây dựng một cách nhanh nhất, bảo đảm đáp ứng được tình hình hiện nay, đặc biệt là trong mùa dịch Covid–19 khi mà nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao.
Trong khi tín dụng đen theo hình thức cho vay trực tiếp đang càn quét nhiều vùng quê chưa được kiểm soát hiệu quả, thì thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ đã nở rộ loại hình tín dụng đen mới - cho vay trực tuyến, qua mạng internet. Thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng đã khiến cho con nợ sập bẫy với lãi suất lên tới cả nghìn phần trăm một năm và gây ra nhiều hệ lụy to lớn.