Nhìn ra thế giới

Nhận định những yếu tố tác động mạnh nhất đến giá vàng tuần này

Đăng Tuấn 04/12/2023 - 10:24

Trong khoảng ba lần Fed hãm chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, giá vàng đã tăng lần lượt 57%, 235% và 69%.

Việc giá vàng đóng cửa ở ngưỡng cao kỷ lục trong tháng 11/2023 không đủ đối với các nhà đầu tư vàng. Trước khi thị trường ngừng giao dịch vào cuối tuần qua, giá vàng đã có lúc tăng cao hơn nữa.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 2/2024 ở mức 2.091,9USD/ounce, tăng hơn 4% so với mức đóng cửa của phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Ngưỡng đóng cửa kỷ lục gần nhất của giá vàng là 2.089,2USD/ounce vào tháng 8/2020.

Động lực mua vàng của nhà đầu tư đang gia tăng khi mà thị trường đang tiếp tục tiếp nhận kỳ vọng lãi suất cơ bản đồng USD sẽ có thể được điều chỉnh giảm từ tháng 3/2024. Việc giá vàng tăng diễn ra khi mà Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định quan điểm ông không tự tin vào việc chính sách tiền tệ đủ chặt chẽ để đưa lạm phát về ngưỡng 2%.

Tuy nhiên, thị trường đang không quá quan tâm đến những gì ông Powell nói. Kết quả từ khảo sát CME FedWatch Tool cho thấy thị trường hiện đang dự báo khả năng FED hạ lãi suất trong quý I/2024 ước tính khoảng 50%.

“Giá vàng hiện vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed hạ lãi suất, cùng lúc đó các yếu tố kỹ thuật vẫn ủng hộ cho đà tăng của giá vàng. Trong trường hợp không có yếu tố căn bản nào mới, việc giá vàng đóng cửa trên ngưỡng 2.000USD/ounce sẽ có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa”, quản lý bộ phận phân tích thị trường tại Forexlive.com – ông Lukman Otunuga phân tích.

Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Zaye Capital Markets, ông Naeem Aslam, trong khi đó cho rằng đây sẽ có thể là khởi đầu cho giá vàng với “những ngày tươi sáng hơn trước mắt”.

“Chúng tôi tin rằng FED đã đạt đến đỉnh của chu kỳ lãi suất dù rằng các thành viên thuộc FED có nói gì đi nữa. Chúng tôi tin hoàn toàn có khả năng FED sẽ hạ lãi suất trước thời điểm cuối quý I/2024. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát cao dai dẳng vẫn còn. Nếu lạm phát không về ngưỡng 3% hoặc thậm chí thấp hơn, FED có thể duy trì lãi suất ở ngưỡng hiện tại cho đến hết nửa đầu năm 2024”, ông Aslam nhận định.

Dù rằng chiến lược siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của FED tiềm ẩn rủi ro với giá vàng, một số chuyên gia phân tích tin rằng việc kinh tế chững lại cũng đồng nghĩa động thái tiếp theo của FED sẽ là hạ lãi suất.

Giám đốc bộ phận đầu tư ETF tại quỹ ABRDN, ông Robert Minter, cho biết vẫn đang có những yếu tố đứt gãy trên thị trường bất động sản thương mại của Mỹ bởi lĩnh vực này tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch nâng lãi suất của FED cũng như tỷ lệ văn phòng trống cao do nhiều người làm việc ở nhà.

Theo dữ liệu mà ông Minter có được, trong khoảng ba lần Fed hãm chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, giá vàng đã tăng lần lượt 57%, 235% và 69%. Ông cũng chỉ ra vào lần này khi mà FED chuyển hướng sang quan điểm chính sách tiền tệ trung lập, giá vàng đã tăng 5,4%.

Trưởng bộ phận kinh doanh kim loại tại quỹ MKS PAMP, ông Nicky Shiels, nhấn mạnh rằng vàng có thể vẫn được quan tâm trong vai trò công cụ đầu tư ngừa rủi ro dù rằng dữ liệu kinh tế vẫn cho thấy diễn biến tích cực.

Cùng lúc đó, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh giá vàng vẫn tăng ngay cả khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân rời bỏ thị trường. Dù vậy, một số chuyên gia phân tích khuyên nhà đầu tư nên thận trọng với giá vàng ở những ngưỡng này và vì vậy không nên “mua đuổi”.

Chuyên gia phân tích về thị trường hàng hóa tại Commerzbank, bà Barbara Lambrecht, khẳng định diễn biến tăng của giá vàng sẽ hạn chế trước thềm báo cáo việc làm Mỹ được công bố vào ngày thứ Sáu tuần này.

“Điều này là bởi kỳ vọng vào khả năng FED hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trước thời điểm giữa năm 2024 nhiều khả năng sẽ không thể thành hiện thực. Vì vậy có thể dự báo về kịch bản giá vàng điều chỉnh. Báo cáo thị trường việc làm Mỹ vào cuối tuần này sẽ là yếu tố quan trọng tạo ra điều đó”, bà Lambrecht nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định nhà đầu tư đồng thời nên quan tâm đến khảo sát niềm tin người tiêu dùng của đại học Michigan khi mà kỳ vọng lạm phát tăng lên trong những tháng gần đây.

Những số liệu kinh tế quan trọng của tuần này bao gồm: Chỉ số ISM của ngành dịch vụ Mỹ; báo cáo thị trường việc làm tư nhân của ADP, quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC); số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp; khảo sát niềm tin người tiêu dùng do đại học Michigan công bố.

Yếu tố khác có thể hỗ trợ cho giá vàng chính là động thái mua vào của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), ước tính khoảng 24% ngân hàng trung ương trên thế giới có ý định tăng dự trữ vàng trong vòng 12 tháng tới khi mà họ ngày một băn khoăn về vai trò của đồng USD trong vị thế tài sản dự trữ.

“Điều đó đồng nghĩa nhu cầu vàng trong lĩnh vực chính thức sẽ tăng trong những năm tới”, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty chứng khoán TDSecurities – ông Bart Melek nhận định. Ông Melek dự báo giá vàng sẽ duy trì trung bình ở ngưỡng 2.100USD/ounce trong quý II/2024.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận định những yếu tố tác động mạnh nhất đến giá vàng tuần này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO