Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên nhi đồng

Trần Văn Lợi| 01/06/2019 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên nhi đồng.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng

Tình cảm đó xuất phát từ mong muốn các cháu sẽ xứng đáng trở thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, những người trực tiếp xây dựng đất nước trong tương lai.

Khi nước nhà chưa giành được độc lập, Người đã đau lòng tận mắt chứng kiến cảnh: “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...”. Mong ước cháy bỏng của Người là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trong bức thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Người viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng”. (Báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950). Những từ ngữ giản dị và thiết tha trong bức thứ đã thể hiện sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với trẻ thơ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Không chỉ vậy, trong mỗi bức thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng nhân ngày 1/6, bên cạnh tình yêu thương bao la, Người không quên chỉ bảo, dặn dò ân cần: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”. Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm” và luôn thực hiện 5 lời dạy của Người: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Mong muốn của Người với các cháu thiếu nhi là: ngoài việc “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để góp phần vào công cuộc giải phóng và kiến thiết nước nhà, thì “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau”. Đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới mà Bác gọi “đó là tinh thần quốc tế”. Mà có tinh thần quốc tế thì thế giới chỉ có tình thân ái, giúp đỡ, giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc, hòa bình và dân chủ: “Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau, giữa nhi đồng Việt Nam với nhau, giữa nhi đồng Việt Nam với nhi đồng Trung Quốc, nhi đồng Liên Xô, nhi đồng các nước. Đó là tinh thần quốc tế. Với tinh thần quốc tế ấy, sau này các cháu nhi đồng thế giới lớn lên sẽ không áp bức nhau, xung đột nhau, không chiến tranh đánh giết lẫn nhau. Trái lại các cháu sẽ thân ái, giúp đỡ nhau, cùng nhau giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc hòa bình và dân chủ” (Báo Cứu Quốc số 1828, ngày 29-5-1951).

Bên cạnh đó, Người cũng thường xuyên nhắc các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và các đoàn thể địa phương luôn chăm sóc các cháu thiếu nhi: “1/6 lại nhắc nhở chúng ta rằng: Cha mẹ, thầy giáo và cô giáo, cùng các đoàn thể thanh niên là những người trực tiếp phụ trách nhi đồng mà chúng ta, tất cả những người lớn để có nhiệm vụ góp phần bồi dưỡng tốt thế hệ tương lai của dân tộc” (Báo Nhân Dân số 819, ngày 1/6/1956). Theo đó, chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, chính là việc “trồng người”. “Trồng người” trước hết phải trồng cái đức, cái nhân, cái trí. Chăm sóc, giáo dục thiếu niên và nhi đồng chính là một công việc quan trọng của sự nghiệp trồng người.

Ngày 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân, số 5526. Ðây là bài báo cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong đó Bác đã căn dặn về nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc, giáo dục các em: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực.

Trước hết các gia đình (tức ông, bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy. Các đảng ủy, đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban Thiếu niên nhi đồng, đoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng mạnh khỏe và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải có kế hoạch chăm sóc, giáo dục các cháu càng ngày mạnh khỏe và tiến bộ. Các tỉnh ủy, thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này cho có kết quả tốt.

Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt.”

Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các quyền trẻ em. Nhớ công ơn Bác Hồ, các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam luôn cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là “Cháu Bác Hồ Chí Minh”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên nhi đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO