Các Hiệp hội ngành, nghề

Nhập khẩu gạo của Philippines dự báo đạt 4,7 triệu tấn trong năm nay

Nguyễn Huyền 22/10/2024 - 10:27

Tính đến giữa tháng 10/2024, lượng gạo nhập khẩu thực tế của Philippines đã đạt 3,4 triệu tấn, với tốc độ này, gạo nhập khẩu có thể đạt 4,7 triệu tấn trong năm nay.

tau-gao.jpg
Ảnh minh họa

Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) Philippines – cơ quan quản lý nhập khẩu ngũ cốc và nhập khẩu thực vật khác cho biết, tính từ ngày 1/1 đến 10/10/2024, lượng gạo nhập khẩu của nước này đạt 3,43 triệu tấn, tương đương 95% của cả năm 2023.

Trong đó, hơn 2,72 triệu tấn đến từ Việt Nam - quốc gia duy trì vị thế là nguồn gạo hàng đầu của Philippines. Thái Lan là nhà cung cấp lớn thứ hai với sản lượng 435,112 ngàn tấn.

Tính đến ngày 10/10, lượng gạo nhập khẩu của Philippines chỉ bằng một nửa so với lượng gạo được cấp theo giấy phép nhập khẩu (SPSIC) do BPI đã phê duyệt và cấp 7.995 SPSIC để nhập khẩu 7,9 triệu tấn gạo.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2024, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 416,766 ngàn tấn, trị giá 262,319 triệu USD, so với tháng 9/2023 tăng 4,22 lần về lượng và tăng 4,18 lần về kim ngạch.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 3,224 triệu tấn, tương đương 1,978 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 31,96% về khối lượng và tăng 53,29% về kim ngạch.

Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hợp đồng với Philippines chưa giao xong và họ cũng đánh giá trong thời gian tới khả năng giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nên mua vào giữ chân hàng trong kho, để chào bán cho các nhà nhập khẩu đến từ Philippines và châu Phi.

Ông Lê Anh Nam, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực A An (Tập đoàn Tân Long) cho biết, thị trường Philippines và châu Phi rất thích gạo Việt Nam. Đặc biệt là gạo DT8, OM18 và OM545. Thời gian qua, thị trường này vẫn đều đặn mua vào nên các kho trữ gạo thơm đến giờ vẫn có hiệu quả.

Hiện nay, bản thân một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hợp đồng chưa giao xong, hoặc đánh giá trong thời gian tới khả năng giá còn tăng nên họ mua vào để có chân hàng trong kho, chào bán mới cho nhà nhập khẩu Philippines hay châu Phi.

Gạo đạt chuẩn đi châu Phi có giá từ 15.800 - 15.900 đồng/kg, giá hàng tàu khoảng 665 - 675 USD/ tấn, DT8 (fob), cảng TP. Hồ Chí Minh, tăng thêm từ 4-5 USD/tấn (tùy khách hàng và tùy chất lượng).

Gạo đi Philippines luôn thấp hơn gạo đi châu Phi từ 5-10 USD/tấn. Do thị trường này không đòi hỏi chất lượng khắt khe như châu Phi. Mặt khác, thương nhân Philippines trả giá khá thấp.

Trong báo cáo về Ngũ cốc: Thị trường và Thương mại Thế giới mới nhất, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính nhập khẩu gạo của Philippines sẽ đạt 4,7 triệu tấn trong năm nay, tăng 2,2% so với ước tính trước đó là 4,6 triệu tấn và nước này vẫn tiếp tục “mua gạo Việt Nam mạnh mẽ.”

USDA, dự kiến lượng gạo nhập khẩu gạo của Philippines ​​sẽ tăng lên 4,9 triệu tấn vào năm 2025, do tình trạng mất mùa tại các địa phương, dẫn đến nguồn cung lúa gạo bị giảm đi.

Như vậy, Philippines tiếp tục là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới loại lương thực thiết yếu này trong năm nay và năm tới, do El Niño, La Niña và các cơn bão gần đây đã hạn chế sản xuất trong nước.

Dữ liệu của Chính phủ Philippines cho thấy, khối lượng gạo nhập khẩu trong nước đã tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022 trước khi giảm vào năm 2023.

Nhận định về thị trường gạo nội địa, ông Lê Anh Nam cho rằng nguồn cung trong nước chủ yếu dựa vào vụ Thu Đông, nhưng vụ lúa này diện tích xuống giống không nhiều trong khi nhu cầu các dịp lễ tết cuối năm cao và sản xuất miền Bắc mất mùa do trận bão vừa qua nên giá gạo trong nước sẽ tăng, nhưng tăng ở mức độ vừa phải.

Đối với gạo trắng thường, cơ bản nguồn hàng từ Ấn Độ về thay thế nguồn nguyên liệu trong nước được dùng sản xuất bún, bánh, phở... giúp giảm áp lực nguồn cung trong nước.

“Giá gạo có tăng cũng chỉ tăng ở phân khúc gạo cao cấp như ST hay gạo đặc sản, còn những loại gạo thường như IR50404 sẽ giữ vững chứ khó tăng”, ông Nam nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập khẩu gạo của Philippines dự báo đạt 4,7 triệu tấn trong năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO