(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính phủ Nhật Bản đã cho biết sẵn sàng hành động nếu các động thái "nhanh, một chiều" trên thị trường tiền tệ tiếp tục, đưa ra tín hiệu cảnh báo về việc đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua.
Chánh Văn phòng nội các Hirokazu Matsuno đã nói với các phóng viên: “Tôi lo ngại về những động thái nhanh, một chiều trên thị trường tiền tệ gần đây”, đồng thời nói thêm rằng chính phủ “sẽ thực hiện các bước cần thiết nếu những chuyển động như vậy tiếp tục ”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki thì từ chối bình luận khi được hỏi có thể thực hiện những bước đi nào để ngăn chặn đà giảm của đồng Yên.
Các phát biểu trên tương tự như những gì được đưa ra vào tháng 6, khi chính phủ và ngân hàng trung ương cho biết họ "lo ngại" và sẵn sàng ứng phó với sự sụt giảm mạnh của đồng Yên trong một tuyên bố chung hiếm hoi được đưa ra sau khi đồng tiền của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, ở mức 134,55 Yên/USD. Ngày 7/9, đồng Yên giảm xuống còn 144,38 USD/USD, mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Bên cạnh sự can thiệp bằng lời nói, Nhật Bản có một số lựa chọn để ngăn chặn sự sụt giảm quá mức của đồng Yên. Trong số đó là việc can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ và mua vào số lượng lớn đồng Yên.
Dưới đây là cách thức can thiệp để mua vào đồng Yên có thể hoạt động, khả năng điều này xảy ra cũng như những thách thức trong hành động can thiệp này:
Nhật Bản can thiệp bằng cách mua vào đồng Yên lần gần nhất là khi nào?
Do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Nhật Bản từ trước đến nay tập trung vào việc ngăn chặn sự tăng giá mạnh của đồng Yên và sử dụng cách tiếp cận “không can dự” đối với sự giảm giá của đồng Yên.
Việc can thiệp mua đồng Yên rất hiếm khi xảy ra. Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng tiền của mình là vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra tình trạng bán tháo đồng Yên và dòng vốn nhanh chóng chảy ra khỏi khu vực. Trước đó, Tokyo đã can thiệp để chống lại sự giảm giá của đồng Yên vào năm 1991-1992.
Điều gì thúc đẩy Nhật Bản thực hiện việc mua vào đồng tiền của mình?
Việc can thiệp tiền tệ rất tốn kém và có thể dễ dàng thất bại do khó có thể ảnh hưởng đến giá trị của nó trên thị trường ngoại hối toàn cầu khổng lồ.
Đó là một trong những lý do quan trọng khiến biện pháp này được coi là động thái cuối cùng, mà Tokyo sẽ chỉ “bật đèn xanh” khi sự can thiệp bằng lời nói không ngăn được sự rơi tự do của đồng Yên. Tốc độ giảm của đồng Yên, không chỉ tính ở mức độ, sẽ rất quan trọng trong quyết định của các nhà chức trách về việc liệu có can thiệp không và khi nào nên can thiệp.
Một số nhà hoạch định chính sách nói rằng sự can thiệp sẽ chỉ trở thành lựa chọn nếu Nhật Bản phải đối mặt với 3 mối đe dọa cùng lúc - bán tháo đồng Yên, cổ phiếu trong nước và trái phiếu - tương tự như dòng vốn chảy ra mạnh đã từng xảy ra ở một số nền kinh tế mới nổi.
Việc can thiệp sẽ thực hiện như thế nào?
Khi Nhật Bản can thiệp để ngăn chặn sự tăng giá của đồng Yên, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ phát hành các tín phiếu ngắn hạn để tăng giá đồng Yên và sau đó có thể bán ra trên thị trường để làm suy yếu giá trị của đồng tiền này.
Nếu muốn tiến hành can thiệp để chặn đà giảm của đồng Yên, các nhà chức trách phải khai thác dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, lấy đô la (USD) bán trên thị trường đổi lấy đồng Yên.
Trong cả hai trường hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ đưa ra lệnh cuối cùng để can thiệp. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đóng vai trò là đại lý và thực hiện lệnh trên thị trường.
Các thách thức gặp phải
Can thiệp vào việc mua vào đồng Yên khó hơn việc bán ra đồng Yên.
Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản ở mức 1,33 nghìn tỷ USD, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và có thể bao gồm chủ yếu là USD. Mặc dù dồi dào, dự trữ có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu cần một khoản tiền khổng lồ để có thể ảnh hưởng đến tỷ giá mỗi khi có hành động can thiệp.
Điều đó có nghĩa là có những giới hạn về mặt thời gian mà Tokyo có thể tiếp tục can thiệp, không giống như can thiệp vào việc bán đồng Yên - ở đó Tokyo có thể tiếp tục phát hành tín phiếu để tăng giá đồng Yên.
Sự can thiệp tiền tệ cũng sẽ cần có sự đồng ý không chính thức của các đối tác G7 của Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ nếu hành động này được tiến hành đối với cặp tiền USD/Yên. Điều đó không dễ dàng với Washington theo truyền thống thường phản đối ý tưởng can thiệp tiền tệ, ngoại trừ trường hợp thị trường biến động mạnh.
(Nguồn: Reuters)