Vấn đề - Nhận định

Nhiều bất cập trong khung pháp lý về xử lý nợ xấu

Quỳnh Lê 20/05/2023 07:38

Thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 42 chưa phát huy hiệu quả. Sau đây là một số ý kiến góp ý của các TCTD tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)”.

vuong-1045.jpg

Ngân hàng gặp khó khi thu giữ tài sản

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án...).

Eximbank có một số góp ý, đề xuất trong dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) từ thực tiễn ngân hàng như sau:

Thứ nhất, thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu. Khi triển khai thực tế, việc thi hành vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập.

Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 189 dự thảo quy định "Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật".

Thực tế triển khai tại Eximbank, các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thì không có điều khoản về việc thu giữ TSBĐ. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.

Vì vậy, để thuận lợi cho các TCTD được quyền thu giữ TSBĐ, kiến nghị sửa đổi bổ sung đối tượng nội dung điểm b, khoản 2, Điều 189 như sau: "Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật".

Tại điểm d, khoản 2, Điều 189 dự thảo có nội dung "TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền". Các khoản nợ xấu tại các TCTD đa phần là các khách hàng bất hợp tác, chống đối và tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian xử lý nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Do đó, khách hàng cố tình nghĩ ra các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm để kéo dài việc xử lý hồ sơ (ví dụ: Tranh chấp thừa kế, tranh chấp hợp đồng đặt cọc, tranh chấp với chủ sở hữu cũ tài sản…).

Các tranh chấp này đa phần phát sinh sau khi khách hàng đã công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm tại các TCTD theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Eximbank kiến nghị bỏ nội dung "TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền" do việc thế chấp đã được các cơ quan chức năng (phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản) chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ (Điều 192). Quá trình thi hành án, sau khi xử lý bán tài sản trừ các loại phí, chi phí liên quan đến việc thi hành án có rất nhiều khoản nợ không thu đủ nợ gốc. Để đảm bảo quyền lợi, giảm thiểu tổn thất đề xuất chọn phương án: Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, về việc giải quyết vụ án dân sự khi khách hàng đang liên quan đến vụ án hình sự khác. Thực trạng hiện nay, nhiều khoản nợ tại các TCTD có TSBĐ hợp pháp (được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật), tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, khách hàng bị khởi tố, truy tố, có liên quan trong vụ án hình sự khác.

Khi đó, việc khởi kiện tranh chấp dân sự, đòi nợ giữa TCTD và khách hàng sẽ bị tòa án tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết của cơ quan điều tra và tòa hình sự. Khi tòa hình sự đã xét xử xong, có bản án có hiệu lực thi hành thì lúc đó TCTD mới tiến hành đòi nợ và xử lý khoản nợ tại tòa dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Do vậy, việc xử lý khoản nợ kéo dài rất lâu chưa kể qua giai đoạn thi hành án, có hồ sơ kéo dài hơn 10 năm mới có thể xử lý thu hồi được tiền.

Thứ tư, chuyển nhượng TSBĐ. Sau khi thực hiện việc thu giữ, để có thể chuyển nhượng TSBĐ là bất động sản trong thực tế hiện nay các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong đó chủ yếu là văn phòng đăng ký đất đai không thực hiện đăng bộ, sang tên nếu bên bảo đảm không ký hợp đồng chuyển nhượng.

Vì vậy, Eximbank kiến nghị bên cạnh việc ban hành Luật các TCTD, cơ quan Nhà nước nên bổ sung nội dung văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi các TCTD (bên nhận bảo đảm) ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và trong hồ sơ chuyển nhượng phải bổ sung 1 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án. Theo Nghị quyết 42 thì việc áp dụng thủ tục này cần có hướng dẫn của Toà án nhân dân (TAND) tối cao. Trên thực tế, các tranh chấp cần giải quyết thuộc phạm vi giải quyết của Tòa rất nhiều, nhưng đến nay tòa vẫn chưa thụ lý vì chưa có hướng dẫn. Theo đó cần quy định cụ thể trong luật, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Đồng thời, liên quan đến việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng của các ngân hàng, Eximbank kiến nghị TAND tối cao quan tâm hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, lập bộ phận chuyên trách để hướng dẫn, đôn đốc các Tòa án địa phương đẩy nhanh việc xét xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.

Thứ sáu, xử lý khi bên bảo đảm tự ý bán TSBĐ, cầm cố TSBĐ khi không có sự chấp thuận, đồng ý của TCTD. Theo quy định như hiện nay của Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa thực sự bảo đảm quyền lợi cho bên nhận thế chấp tài sản. Vì luật hiện nay chưa quy định rõ hậu quả pháp lý của giao dịch.

Để hạn chế tình trạng này, nên bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc bên thế chấp tự ý bán tài sản thế chấp mà không được sự đồng ý của bên nhận thế chấp để có cơ sở xử lý khi vi phạm xảy ra nhằm răn đe hành vi tự ý bán, chuyển nhượng tài sản đang thế chấp hợp pháp mà không có sự đồng ý của TCTD.

bui-tuan-tai-1219.jpg

Thực tiễn các tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp và TCTD không được bảo vệ quyền lợi với tư cách là người thứ ba ngay tình

Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng Giám đốc ACB

Quá trình tham gia giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp (TSTC), ACB nhận thấy một số Tòa án áp dụng pháp luật không đúng, không thống nhất khi xét xử hoặc bản án có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Các tranh chấp liên quan đến TSTC và TCTD không được bảo vệ quyền lợi với tư cách là người thứ ba ngay tình dù đã nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian qua, các tranh chấp liên quan đến TSTC có dấu hiệu gia tăng. Nhóm hồ sơ này đang có nguy cơ tăng cao do ngày 02/8/2021, TAND tối cao ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có hướng dẫn về việc xác định TCTD có là người thứ ba ngay tình hay không và hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản.

Quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp (TSTC) ghi nhận việc chủ sở hữu cũ hoặc người thứ ba đang sinh sống, quản lý, sử dụng TSTC và triệu tập các cá nhân này tham gia tố tụng. Trường hợp chủ sở hữu cũ có lời khai bất lợi cho TCTD, Tòa án yêu cầu TCTD cung cấp hồ sơ thẩm định tài sản khi nhận thế chấp.

Trong trường hợp TCTD không cung cấp được thì có thể Tòa án nhận định bất lợi cho TCTD, chấp nhận đơn yêu cầu độc lập của chủ sở hữu cũ và tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu...

Từ những cơ sở pháp lý và thực tế khách quan trong quá trình giải quyết các vụ án, ACB kiến nghị TAND tối cao, VKSND tối cao đánh giá một cách toàn diện các vấn đề nêu trên và sửa đổi quy định, hướng dẫn chưa phù hợp nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung và thủ tục tố tụng, đặc biệt là hướng dẫn áp dụng pháp luật của ngành Tòa án về các căn cứ xác định TCTD là bên nhận thế chấp ngay tình, Hợp đồng thế chấp giữa TCTD với các bên thế chấp khi thực hiện đầy đủ quy định pháp luật có giá trị pháp lý, TSTC tiếp tục được bảo đảm cho khoản vay của Bên được cấp tín dụng tại TCTD. 

TCTD có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các TSTC để thu hồi nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các TCTD.

Ngoài ra, đối với trường hợp TSTC được kê biên xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo nguyên tắc "bản án, quyết định phải được Cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, Cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án", ACB kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn giải quyết vụ án tranh chấp liên quan đến TSTC tại giai đoạn thi hành án.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật: "Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả"; "Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận”. Các quy định này vừa đảm bảo được thủ tục thi hành án nên đảm bảo quyền lợi của TCTD vừa đảm bảo được quyền lợi của đương sự có yêu cầu khởi kiện trong vụ án mới.

phong-1124.jpg

Mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam  A Bank)

Mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho TCTD.

Cần cụ thể hóa trong dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính TSĐB để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp… để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý. Việc này sẽ giúp đồng bộ các quy định pháp luật hơn nữa và sẽ tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để các định chế tài chính nước ngoài an tâm hơn khi đầu tư, là điểm nhỏ để bổ sung thêm bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư an toàn.

Giữ nguyên quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42, theo đó: Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Điều kiện để thu giữ TSBĐ (tại điểm b khoản 2 Điều 189): Điều chỉnh theo hướng "tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật". Bởi lẽ quyền xử lý TSBĐ bao hàm cả quyền thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là một trong các bước để xử lý TSBĐ. Do đó không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm.

Cân nhắc bỏ ràng buộc về thời hạn 3 năm phải xử lý tài sản được TCTD nắm giữ do xử lý nợ vay, vì thực tế việc nhận TSBĐ để thay thế nghĩa vụ được bảo đảm hoặc nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án bản chất không phải là hoạt động kinh doanh của TCTD. Việc đặt ra giới hạn về thời gian xử lý TSBĐ làm cho TCTD bị giới hạn quyền chủ động xử lý TSBĐ.

346119719_2013983432282591_47517-1242.jpg

Chậm hoàn trả TSBĐ, vật chứng trong các vụ án hình sự

Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Nghị quyết 42 có quy định hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, nhưng chưa có quy định về vi phạm hành chính, cũng có trường hợp các TSBĐ vi phạm giao thông, nhưng chưa hoàn trả tiền phạt nên vẫn bị giữ. Thậm chí, luật cũng đưa ra việc đấu giá, nhưng sau đó TCTD cũng không thu về nhiều.

Bàn về xử lý nợ xấu, TSBĐ, OCB thấy có một nội dung vướng mắc là nguồn lực và cơ chế xử lý nợ. Cần nguồn lực riêng để xử lý cho nợ xấu cho cả ngân hàng và toàn hệ thống, vai trò công ty quản lý tài sản là chuyên biệt, nhưng một số ngân hàng chưa có Công ty AMC.

Theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%, mà nếu vậy thì TCTD sẽ "chết" trước. Theo tôi, cần nhìn nhận AMC là để hỗ trợ xử lý nợ xấu, nợ quá hạn, thay vì chỉ để xử lý về mặt kỹ thuật.

abc-1238.jpg

Có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm

Ông Phạm Văn Phòng, Phó Giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Về bán nợ xấu và TSĐB theo dự thảo điều 187, hiện nay về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn định giá TSĐB và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng ngân hàng không dám. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ như vậy cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

Thậm chí ngân hàng có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm, trong khi đây là biện pháp ưu tiên cuối cùng khi các biện pháp khác không thực hiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong khung pháp lý về xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO