Là thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm (CITES) từ năm 1994, Việt Nam đã ban hành nhiều công cụ pháp lý nhằm luật hóa cam kết này và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên các vụ vi phạm vẫn đang có chiều hướng tăng và tính chất phức tạp.
Số vụ vi phạm, bắt giữ vẫn gia tăng
Thông tin tại Hội thảo tập huấn “Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và những nỗ lực cứu hộ” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 3/6, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã diễn ra trên toàn thế giới với lợi nhuận ước tính lên tới 21 tỷ USD/năm.
Các vụ buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã diễn ra tại tất cả các thời điểm, với nhiều đối tượng tham gia bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Đáng chú ý, ASEAN là một trong những điểm nóng với nhiều quốc gia chung đường biên giới và cùng khai thác biển Đông. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong các nước ASEAN đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã quốc tế (xuất khẩu/tái xuất khẩu – nhập khẩu – trung chuyển)
Theo Báo cáo Công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD trong 5 năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Năm 2017 số vụ án hình sự về ĐVHD là 94 vụ với 134 đối tượng bị bắt giữ thì năm 2021 con số này là 161 vụ với 251 đối tượng.
“Sự gia tăng của các vụ án hình sự về ĐVHD có thể là biểu hiện của tính hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, tuy nhiên nó cũng cho thấy rằng tình trạng buôn bán ĐVHD vẫn còn nghiêm trọng…”- ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature nhận định.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năm đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án lớn liên quan tàng trữ, vận chuyển, mua bán ĐVHD như: Tại Hải Phòng, ngày 2/2/2023 bắt giữ 490kg ngà voi, ngày 6/2/2023 bắt giữ 125kg ngà voi, ngày 20/3/2023, bắt giữ 7,6 tấn ngà voi; Tại Khu đô thị Đại An, Hà Nội, ngày 17/3/2023 bắt giữ 3 bộ da hổ và 2 đầu hổ; Tại sân bay Nội Bài, ngày 27/4/2023 bắt giữ combo sừng tê giác và ngà voi; Tại Kiên Giang, ngày 15/5/2023, tạm giữ 26 vòng tay và 20 nhẫn nghi làm từ ngà voi tại 2 cửa hàng trang sức mỹ nghệ …
Cũng theo Giám đốc PanNature, ông Trịnh Lê Nguyên, cùng với sự gia tăng các vụ án về ĐVHD là sự gia tăng các loài ĐVHD bị thu giữ và theo đó là các nỗ lực cứu hộ, bảo tồn. Đơn cử, thống kê 3 năm gần đây của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội cho thấy, số lượng ĐVHD được cứu hộ đã tăng nhanh chóng, chủ yếu từ các vụ bắt giữ vi phạm. Theo đó, năm 2020 số vụ cứu hộ là 119 vụ, tương đương với 537 cá thể tiếp nhận giải cứu, thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên thành 142 vụ với 1.242 cá thể được cứu hộ. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, gây nên tình trạng quá tải thường xuyên ở Trung tâm cứu hộ.
Đang có sự chồng chéo
Tại Hội thảo, đại diện cơ quan CITES Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Việt Nam là thành viên của Công ước về mua bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm (CITES) từ năm 1994, Việt Nam đã ban hành nhiều công cụ pháp lý nhằm luật hóa cam kết này và hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD.
Cụ thể, Nhà nước đã ban hành một khung pháp lý về thực thi CITES và quản lý buôn bán động vật, thực vật hoang dã (Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thuỷ sản 2017; Luật Bảo tồn Đa dạng sinh học 2008); Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn cũng rất đầy đủ (Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES; Nghị định 160/2013/NĐ-CP về Tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ..); Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…
Theo ông Tuấn, các quy định của pháp luật hình sự cũng đã xác định tội phạm vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD là tội phạm nghiêm trọng, xử lý hình sự đối với cá nhân và pháp nhân thương mại, tăng mức phạt tiền (tối thiểu là 50 triệu và tối đa là 15 tỷ đồng), tăng mức phạt tù (tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 15 năm)….
Theo đại diện CITES Việt Nam, đây là những hình phạt khá nghiêm khắc, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.
Vướng mắc đầu tiên là đang có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành gây lãng phí nguồn lực. Cụ thể, nếu thực hiện theo Thực hiện Nghị định 84/2021/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan địa phương; còn nếu theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các cơ chế hợp tác hiện nay chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Rất ít vụ việc buôn bán quốc tế ĐVHD được điều tra theo dòng tiền.
Ở cấp độ địa phương hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa ưu tiên trong lĩnh vực chống buôn bán ĐVHD. Thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về kiểm soát buôn bán ĐVHD thường xuyên thay đổi dẫn đến thiếu hiệu quả trong hợp tác.
Mặc dù khung pháp lý luật hóa công ước CITES được đánh giá khá kịp thời nhưng thực tế vẫn thiếu quy định về ĐVHD trong các văn bản QPPL về du lịch, chưa có quy định tài nguyên du lịch, môi trường du lịch gồm ĐVHD.
Thực tế cho thấy đang có sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn thiên nhiên. Du lịch phát triển với nhiều loại hình, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thường nhắm đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Luật chuyên ngành chưa có chế tài xử lý hành vi tiêu thụ (ăn) ĐVHD hoặc hành vi môi giới, dẫn khách mua các sản phẩm ĐVHD. Cùng với đó, nhận thức của người dân và cộng đồng xã hội đối với bảo tồn động vật, thực vật hoang dã còn hạn chế
Đặc biệt, theo đại diện CITES Việt Nam, ngoài khó khăn nội tại, hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, thực vật hoang dã mang tính xuyên quốc gia; Tội phạm sử dụng công nghệ cao để buôn bán bất hợp pháp, sử dụng các mạng xã hội với các tài khoản ảo…: Và tội phạm xâm hại động vật, thực vật hoang dã có sự liên kết với tội phạm buôn bán vũ khí, ma tuý và buôn người.
Một khó khăn nữa phải kể đế là ngày càng có nhiều hiệp định quốc tế về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã đòi hỏi các quốc gia phải cam kết tuân thủ và tuân thủ triệt để. Trong khi đó, chưa có các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.
Đâu là ưu tiên thực thi Công ước?
Theo đại diện CITES Việt Nam - ông Nguyễn Anh Tuấn, trong thực thi công ước CITES, ở cấp độ quốc tế còn nhiều hạn chế trong hợp tác liên ngành, đặc biệt trong chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia, do quy định khác nhau trong lưu trữ, bảo mật thông tin. Có nhiều thể chế quốc tế cùng tham gia vào lĩnh vực đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã như CITES, Interpol, WCO, CBD... nhưng thiếu một cơ chế điều phối hợp tác hiệu quả từ quốc tế đến quốc gia.
Cùng với đó, nhiều dịch bệnh mới nổi xuất hiện cùng lúc trong các hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Năng lực thực thi và nhận thức còn hạn chế, đặc biệt kỹ năng phân biệt các mẫu vật thường bị buôn bán, kỹ năng điều tra, quản lý chứng cứ….
Theo đại diện CITES Việt Nam. uu tiên đầu tiên trong thực hiện Công ước là cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các Cơ quan quản lý và Cơ quan thực thi; Quy định về thẩm quyền xử lý tội phạm, thẩm quyền xử phạt, Quy định về trách nhiệm tiếp nhận, cứu hộ ĐVHD xử lý, tịch thu…
Đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo kiểm soát buôn bán ĐVHD, tiến đến đề xuất đưa nhiệm vụ chống buôn bán ĐVHD trái phép vào nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).
Xây dựng và thực hiện các Dự án chung nhằm tăng cường năng lực, trang bị kỹ thuật cho lực lượng thực thi chống tội phạm vi phạm quy định bảo vệ ĐVHD; Phối hợp trong đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, các kỹ năng phòng chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD; Xây dựng Cơ sở dữ liệu chung về tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD giữa Cơ quan thực thi, các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan truy tố, xét xử.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia nước nguồn và quốc gia tiêu thụ cuối cùng để kiểm soát buôn lậu quốc tế ĐVHD.
”Các cơ quan thực thi pháp luật cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên thực hiện các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2020; trong đó tiếp tục ưu tiên xử lý các vi phạm liên quan đến: Buôn bán các loài tê tê; Các loài mèo lớn châu Á, trong đó có hổ, báo; Các loài tê giác, voi châu Á, châu Phi; Các loài thú ăn thịt nhỏ; Các loài rùa, chim hoang dã; Một số loài gỗ có tên trong Phụ lục CITES; các loài lan, đặc biệt các loài Nhóm IA…”- Ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý.