Những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu xử lý nợ xấu thời gian tới

Phương Anh| 17/04/2019 13:48
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2017 và 2018 khá cao, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay. Trong năm 2019, VAMC đặt mục tiêu xử lý nợ xấu với dư nợ gốc khoảng 50 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý căn bản khoảng 90% số nợ xấu đã mua về.

Ngày nhận bài: 5/3/2019 - Ngày biên tập: 6/3/2019 - Ngày duyệt đăng: 27/3/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 7, năm 2019

Tóm tắt: Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2017 và 2018 khá cao, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay. Trong năm 2019, VAMC đặt mục tiêu xử lý nợ xấu với dư nợ gốc khoảng 50 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý căn bản khoảng 90% số nợ xấu đã mua về.

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn những vướng mắc, do đó rất cần sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, sự chung tay của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương…để đạt các mục tiêu đề ra. Bài viết nêu lên một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Từ khóa: xử lý nợ xấu, VAMC, tổ chức tín dụng

Solutions to realize targets on bad debts handling in coming time

Abstract: Since the Resolution No. 42/2017/QH14 of the Parliament came into effect, the results in solving bad debts of Vietnam Assets Management Company (VAMC) in 2017 and 2018 rather high, 50% of total accumulative debts collected from 2013 up to now. In 2019, VAMC targets to solve bad debts with original outstanding loans of approximately 50 thousand billion dongs and to handle 90% bad debts bought. Although positive results has been made, the process of handling bad debts in accordance with Resolution No.42 meet obstacles, needed to have comprehensive solutions and support from relevant ministries, sectors, local authorities. The article raises several measures to clear difficulties in handling bad debts.

Key words: bad debts handling, VAMC, credit institution

VAMC có thể về đích trước hạn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công tác xử lý nợ xấu đã đạt bước tiến quan trọng. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Như vậy, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2018 về cơ bản đều hoàn thành. Trong năm 2018, VAMC đã triển khai, hoàn thành việc rà soát, phân loại và dự kiến biện pháp xử lý đối với các khoản nợ có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên của 334 TCTD với 1.479 khách hàng; xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của 877 khách hàng với 99.694 tỷ đồng dư nợ gốc, tổng giá trị TSBĐ là 148.450 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản nợ xấu đã mua được VAMC xử lý đạt 48.035 tỷ đồng dư nợ gốc, vượt 39% kế hoạch NHNN giao, tăng gấp 2 lần so với năm 2017. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 khá cao, đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay.

VAMC cũng đã chủ động phối hợp với các TCTD bước đầu triển khai có hiệu quả những biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 như tích cực thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu, mua bán nợ theo giá trị thị trường... Hiện tại, VAMC vẫn còn khoảng 106 nghìn tỷ đồng nợ xấu VAMC mua từ TCTD cần phải xử lý.

Thời gian qua, nguyên nhân chính dẫn đến việc VAMC không mua được nhiều nợ theo giá trị thị trường là do thiếu vốn. Nhưng năm nay, có thể VAMC được tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo lộ trình tăng vốn tại Đề án 1058.

Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch VAMC cho biết, VAMC đặt mục tiêu mua nợ theo giá trị thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong năm 2019, VAMC đặt mục tiêu xử lý nợ xấu với dư nợ gốc khoảng 50 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý căn bản khoảng 90% số nợ xấu đã mua về. Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay VAMC có thể về đích trước hạn.

Mặc dù đạt được những kết quả trong công tác mua bán, xử lý nợ xấu, đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, nhưng trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo phản ánh của VAMC và các TCTD thì vẫn còn một số vướng mắc như: các vấn đề liên quan đến quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của bên mua khoản nợ xấu; về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; về thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho cá nhân mua nợ, về ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho VAMC; về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) và xử lý TSBĐ; về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự;  vướng mắc liên quan đến thị trường hỗ trợ xử lý nợ xấu…

Về cơ bản, những khó khăn, vướng mắc về chính sách nổi cộm tồn tại trong quá trình áp dụng thực hiện Nghị quyết số 42 đã được Chính phủ quan tâm, xem xét chỉ đạo. Các bộ, ngành có liên quan đã tham gia triển khai tích cực, có hiệu quả các giải pháp. Tuy nhiên, những vướng mắc này trên thực tế vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.

Những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42

Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 đạt các yêu cầu đề ra, cần triển khai nhiều giải pháp dưới đây:

Nhóm giải pháp về mua, bán và xử lý nợ xấu

Đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất VAMC thực hiện mua khoản nợ theo giá trị thị trường;

Xây dựng hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu, TSBĐ để giới thiệu tới các nhà đầu tư quan tâm, tạo tiền đề xây dựng môi trường trao đổi thông tin công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nợ; Thực hiện số hóa toàn bộ số khoản nợ đã mua bằng TPĐB; Kết nối với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) nhằm xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu nợ xấu, bổ sung hàng hóa cho thị trường mua bán nợ xấu;

Tổ chức tiếp xúc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp cận danh mục, hồ sơ pháp lý các khoản nợ xấu, TSBĐ để giới thiệu và chào bán các khoản nợ/TSBĐ phù hợp với nhu cầu của từng nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác xử lý và thu hồi nợ; Chủ động làm việc với một số đối tác tiềm năng có nhu cầu nhận chuyển nhượng khoản nợ, chuyển nhượng bất động sản, dây chuyền sản xuất và các TSBĐ của một số khoản nợ xấu;

Tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và TSBĐ để thu hồi nợ;

Theo dõi đôn đốc các TCTD thu nợ, xử lý TSBĐ mà VAMC đã ủy quyền; Tiếp tục hỗ trợ các TCTD và bám sát quá trình khởi kiện/thi hành án đối với các khoản nợ đã ủy quyền cho TCTD thực hiện để xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ; Phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xử lý các trường hợp thi hành án kéo dài;

Tích cực đôn đốc, làm việc với khách hàng để yêu cầu, đôn đốc khách hàng trả nợ; Phối hợp với các TCTD thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và TSBĐ của các khoản nợ xấu;

Triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển hợp tác giữa VAMC và các AMC của các TCTD để hình thành Câu lạc bộ AMC tại Việt Nam nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư.

Tập trung phát triển thị trường mua bán nợ thực sự

Một thị trường mua - bán nợ đúng nghĩa là điều cần thiết để thúc đẩy công tác mua bán xử lý nợ xấu. Điều 5 tại Nghị quyết 42 quy định TCTD được bán các khoản nợ xấu và TSBĐ liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và giá bán phù hợp với giá thị trường, cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do các TCTD vẫn chủ yếu chỉ bán nợ cho VAMC và DATC, trong khi đó, một thị trường mua - bán nợ đúng nghĩa (gồm cả mua - bán nợ bình thường) và hoạt động hiệu quả chưa được hình thành.

Tại Quyết định 1058, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ. Với vai trò phối hợp, NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để triển khai nhiệm vụ nêu trên. Bên cạnh đó, NHNN đang tiếp tục (i) rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC tham gia xử lý nợ xấu hiệu quả, triệt để trong các giai đoạn tiếp theo1; (ii) tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo các TCTD triển khai công tác mua bán nợ để xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu.

Nhóm giải pháp về tổ chức, con người và tài chính của VAMC

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện bộ máy hoạt động theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC đã được NHNN phê duyệt nhằm thực hiện có hiệu quả công tác mua, bán và xử lý nợ xấu;

Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ nhân viên trong nghiệp vụ mua nợ theo giá trị thị trường, xử lý nợ, triển khai các nghiệp vụ mới như bảo lãnh, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay ...; Tổ chức đào tạo, mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực VAMC dự kiến triển khai để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, các quy định pháp luật cho các cán bộ nhân viên để triển khai các quy trình, nghiệp vụ mới;

Phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác xử lý nợ, phát triển các dự án hỗ trợ kỹ thuật, qua đó, ứng dụng phù hợp vào thực tế hoạt động tại Việt Nam;

Tiếp tục trình NHNN xem xét bổ sung đủ 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho VAMC theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết để VAMC có thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả; Bảo toàn và khai thác các nguồn lực được cấp theo đúng quy định của pháp luật;

Bên cạnh đó, VAMC cần thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC; Tích cực tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ của TCTD đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Nhóm giải pháp kiểm tra, giám sát

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động;

Tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các TCTD liên quan đến hoạt động ủy quyền; Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và TSBĐ của các khoản nợ đã mua.

Nhóm giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Hoàn thiện các quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và các văn bản pháp luật có liên quan để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua nợ và xử lý nợ của VAMC;

Hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan đến các nghiệp vụ bảo lãnh, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, đầu tư, khai thác, sửa chữa cho thuê TSBĐ, tư vấn môi giới ... làm cơ sở triển khai thực hiện;

Thường xuyên cập nhật, rà soát, phát hiện, kiến nghị NHNN, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động xử lý nợ an toàn, hiệu quả.

Đáng chú ý, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào năm 2022, cần phải có văn bản tiếp nối để thay thế hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Do vậy, đến cuối năm 2019 phải tổng kết kết quả những mặt được và chưa được của Nghị quyết 42, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Luật riêng về xử lý nợ xấu để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Chú thích:

1. Nghiên cứu, xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) nhằm điều chỉnh các quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu phù hợp với Nghị quyết 42 và thực tiễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu xử lý nợ xấu thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO