Khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu

ThS. Dương Văn Bôn| 27/03/2019 09:41
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích nguyên nhân của một số khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, đồng thời đưa ra một số định hướng giải pháp.

Ngày nhận bài: 18/12/2018 - Ngày biên tập: 18/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 25/2/2019 (Bài đăng Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5/2019)

Tóm tắt: Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là chủ động và phối hợp với các cơ quan xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) trong điều kiện có rất nhiều khó khăn: cung cầu trên thị trường mua bán tài sản, sự phối hợp của cơ quan thi hành án, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác, các vướng mắc khác về pháp lý trong thực thi tiếp tục phát sinh. Bài viết phân tích nguyên nhân của một số khó khăn, vướng mắc đồng thời đưa ra một số định hướng giải pháp.

Từ khóa: nợ xấu, xử lý nợ xấu, tổ chức tín dụng

Difficulties and obstacles of credit institutions in handling non-performing loans

Abstract:  In order to reduce non-performing loans (NPLs) , in the past time, the credit institutions has been drastically implementing many measures to deal with the NPLs, especially actively coordinated with agencies in handling asset backed securities in compliance with Resolution No.42/2017/QH14 of the National Assembly in the context that many difficulties arised: supply – demand of the market debt trading, the coordination of the judgment enforcement agency and other related authorities, other occurred legal obstacles in the implementation process. The article analyzes some causes of this situation, at the same time proposes several measures and orientations.

Key words: non-performing loan, credit institution

Quyết liệt nhưng chưa thành công trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là một trong các ngân hàng có nhiều thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm (TSBĐ).

Chẳng hạn như khoản nợ xấu của Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Agribank chi nhánh Sở giao dịch. Giá khởi điểm 160,5 tỷ đồng, giảm tới 80 tỷ đồng so với thông báo đấu giá hồi tháng 9/2018, nhưng vẫn chưa bán được. Không chỉ những khoản nợ lớn thông báo bán trong thời gian dài, thông báo nhiều lần nhưng không có ai mua, mà nhiều khoản nợ giá trị nhỏ cũng ở trường hợp tương tự.

Sacombank cũng đang thông báo bán hàng loạt bất động sản là TSBĐ cho các khoản nợ xấu trị giá hàng nghìn tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh và một số nơi khác. Trong đó, đáng lưu ý nhất là 4 lô bất động sản với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, gồm dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú ở huyện Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng; dự án khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B, với diện tích 530.000m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng; dự án khu nhà ở phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh 164.949,9m2, mức giá khởi điểm 1.815 tỷ đồng; dự án khu dân cư phường Bình Thủy tại Cần Thơ với diện tích 600.000m2, giá 4.565 tỷ đồng. Tuy nhiên Sacombank cũng đang gặp phải tình trạng chung, đó là kết quả bán tài sản hết sức khó khăn, mặc dù đã linh hoạt theo tình hình của thị trường.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới đây đã bán đấu giá thành công tòa tháp V-Ikon với giá trúng đấu giá là 301,150 tỷ đồng (chỉ vượt 1,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm). Cần phải nói thêm rằng, trước đó, mặc dù liên tục giảm giá bán nhưng tòa tháp V-Ikon đã trải qua vài lần bán đấu giá bất thành do không có người mua.

VAMC đang triển khai bán đấu giá cao ốc Saigon One Tower để thu hồi khoản nợ xấu, với giá khởi điểm dự kiến của khối tài sản này lên tới 6.110 tỷ đồng, liên quan đến hai chủ nợ là Maritime Bank, DongA Bank. Sài Gòn One Tower (34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là tổ hợp dự án lớn do các đối tác góp vốn gồm: Công ty Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty Địa Ốc Sài Gòn M&C), Công ty Đầu tư Liên Phát, Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng Minh Quân, Công ty Tân Superdeck M&C.

Cuối tháng 10/2018, VAMC thông báo đấu giá lần thứ 6 khoản nợ của Công ty Thuận thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân với tổng dư nợ là 2.378 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài (có 4 TSBĐ). Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra lần này chỉ còn 843,7 tỷ đồng, giảm 140 tỷ đồng so với lần trước đó và so với mức giá cao nhất từng đưa ra thì đã giảm 364 tỷ đồng.

BIDV cũng thông báo bán các khoản nợ của nhiều doanh nghiệp như của Công ty CP Thương mại Toàn Lực tại VAMC với giá khởi điểm hơn 241 tỷ đồng hay BIDV và VAMC đấu giá khoản nợ hơn 678 tỷ đồng của Công ty CP Tiến Nga với giá khởi điểm gần 495 tỷ đồng.

Khoản nợ xấu của Công ty Bình Lý (tại Agribank Hà Tây) với giá hơn 37,7 tỷ đồng cũng nằm trong số các trường hợp phải chào bán nhiều lần. Đây đã là lần thứ 7 VAMC thông báo đấu giá tài sản này.

Nguyên nhân của những vướng mắc cơ bản trong xử lý nợ xấu hiện nay

Đầu tháng 11/2018, Bộ Tư pháp đã có báo cáo giải trình gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2018, trong đó có giải trình về nguyên nhân của hạn chế trong việc thi hành án đối với khoản nợ của các TCTD theo Nghị quyết số 42. Báo cáo cho hay, kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các TCTD vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2017 là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng, có tình trạng TCTD khi thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so giá thẩm định khi kê biên đấu giá; tài sản thực tế không đúng; tài sản là nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, có mồ mả trên đất. Một số nguyên nhân khác gồm: tài sản ở vị trí bất lợi trong giao dịch dẫn đến khó xử lý, việc thi hành án kéo dài (những vụ việc này phải phân loại có điều kiện thi hành trên tổng số khoản phải thi hành đã tuyên trong bản án); một số đại diện cho TCTD chưa nắm rõ thủ tục THADS, thậm chí có trường hợp chưa tích cực trong việc thu hồi nợ, chậm giải quyết các vướng mắc phát sinh, thậm chí cho thỏa thuận để thanh toán dần, đề nghị chậm giao tài sản đã bán đấu giá.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao. Phần lớn người phải thi hành án tìm cách trốn tránh, chây ỳ, chống đối quyết liệt việc thi hành án, như: thay đổi liên tục người đại diện, thay đổi địa chỉ, trốn tránh không làm việc; thậm chí lợi dụng thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản, khiếu nại tố cáo, quyền khởi kiện ra tòa án nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác đang nảy sinh trong thực tế triển khai, đó là sự bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng của pháp luật có liên quan, như: chưa cụ thể thủ tục thi hành án khi có liên quan đến biện pháp ngăn chặn, nhất là các đại án ngân hàng; việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai, các dự án còn chưa có tính khả thi; quy định về mức lãi phạt, lãi chậm thi hành án trong bản án không rõ; chưa thống nhất bảo vệ người mua trúng đấu giá tài sản.

Đặc biệt là trong thực tế cũng phát sinh một số vấn đề đáng quan tâm, đó là công tác phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan hiệu quả còn chưa cao, như: phối hợp với tòa án, chính quyền địa phương, công an trong bảo vệ cưỡng chế, xử lý hình sự hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án; với Sở Tài nguyên - Môi trường trong việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhằm trốn tránh thi hành án, phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện cưỡng chế thi hành án và xử lý các vướng mắc liên quan; với Viện Kiểm sát trong việc kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, trốn tránh việc thi hành án, việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó là tâm lý e ngại của người dân mua tài sản thi hành án vì hầu hết họ cho rằng tài sản bị siết nợ là không may mắn; tài sản không “sạch”, lo ngại chậm được bàn giao tài sản; không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng do vướng các khoản nợ thuế của người phải thi hành án có liên quan đến đất… nên nhiều tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần, thậm chí đến lần thứ 18 vẫn không có người mua.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, số liệu tổng hợp trong 10 tháng của năm 2018 cho thấy, có 2.856 việc, với 4.534 tỷ đồng bán nhiều lần không thành; trong đó số bán 3 lần trở lên là 1917 việc, với 2.675 tỷ đồng. Cá biệt, vụ Công ty Việt Nhật Quang (tỉnh Phú Thọ) bán lần thứ 18 chưa có người mua. Cũng theo Bộ Tư pháp, số lượng việc, tiền tăng cao hàng năm, gây áp lực lớn cho chấp hành viên, nhất là ở các thành phố lớn trong khi thủ tục THADS còn chưa thực sự tinh gọn, dẫn đến tiến độ thi hành án bị chậm.

Có thể nêu một số ví dụ cụ thể về tình trạng quá tải nói trên trong 10 tháng đầu năm 2018. Đó là, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bình quân mỗi chấp hành viên phải giải quyết 394 việc, tương ứng với số tiền trên 36 tỷ đồng. Tại tỉnh Bình Dương mỗi chấp hành viên giải quyết 393 việc, tương ứng với trên 96 tỷ đồng. Tại tỉnh Long An mỗi chấp hành viên giải quyết 386 việc, tương ứng với trên 71 tỷ đồng. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mỗi Chấp hành viên giải quyết 312 việc, tương ứng với trên 202 tỷ đồng. Trên địa bàn TP. Hà Nội mỗi chấp hành viên giải quyết 174 việc, tương ứng với  trên 113 tỷ đồng; TP. Đà Nẵng mỗi chấp hành viên giải quyết 240 việc, tương ứng với trên 109 tỷ đồng.

Về nguyên nhân chủ quan, cũng phải thừa nhận, một số thủ trưởng cơ quan THADS, nhất là cấp huyện chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm thu hồi nợ xấu, chưa tích cực chủ động mà phó mặc cho chấp hành viên. Một số chấp hành viên còn chậm tổ chức thi hành án hoặc cố tình trì hoãn việc tổ chức thi hành án, chưa kiên quyết áp dụng các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành án, để việc thi hành án kéo dài.

Tổng hợp lại có 3 nguyên nhân liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội:

Thứ nhất, trường hợp các TCTD không đồng ý trích tiền hỗ trợ thuê nhà ở theo Điều 125 Luật THADS nên cơ quan THADS không bố trí được chỗ ở cho người phải thi hành án. Ban Chỉ đạo THADS, chính quyền địa phương, cơ quan công an không đồng tình việc cưỡng chế thi hành án do không đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Do đó khi tiến hành cưỡng chế thi hành án thì không huy động được lực lượng chức năng ở địa phương.

Thứ hai, Nghị quyết số 42 quy định không được trừ từ tiền bán tài sản các khoản thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, như tiền thuế thu nhập cá nhân...; các khoản nợ thuế phí khác, như: tiền thuê đất hàng năm, phí hạ tầng của các khu công nghiệp còn nợ; các khoản phí thuế trước đây được miễn do thuộc diện thu hút đầu tư của người phải thi hành án. Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, Công văn số 4604/BTC-TCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính không có nội dung hướng dẫn cụ thể như cơ chế “khoanh nợ, treo nợ, xóa nợ...”. Bên cạnh đó, việc Nghị quyết 42 ưu tiên thanh toán cho ngân hàng trước án phí nhưng không có cơ chế xử lý tiền này, khiến cho việc thi hành án khoản chủ động thi hành án phí chưa có giải pháp tháo gỡ.

Thứ ba, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho bên mua, bên nhận tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của Nghị quyết. Tuy nhiên, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường mặc dù có bổ sung nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để sang tên liên quan tài sản thi hành án, như: thuế thu nhập cá nhân, không thu hồi được giấy CNQSDĐ..., dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy CNQSDĐ cho người mua người nhận tài sản.

Định hướng giải pháp

Nghị quyết 42 mở ra nhiều giải pháp xử lý những khoản nợ xấu, trong đó có 70% khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản (BĐS). Do đó, việc các ngân hàng, TCTD đồng loạt bán nhiều dự án thế chấp cho khoản nợ xấu là một điều rất tốt cho thị trường BĐS hiện nay. Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện cho việc bán đấu giá các tài sản BĐS không cần phải bảo đảm đúng giá trị sổ sách mà chỉ cần tổ chức đúng quy định, bán đấu giá công khai, phương thức xác định giá khởi điểm sát theo giá thị trường là sẽ thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên kết quả triển khai bán đấu giá hiện nay còn chậm, kết quả đấu giá tài sản không được như dự kiến.

Được biết Bộ Tư pháp đã có Báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ nhiều khó khăn nói trên. Ngày 7/11/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có văn bản số 8424/NHNN-TTGSNH gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Theo đó, trong quá trình xử lý nợ xấu, ngành Ngân hàng đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền địa phương các cấp. Nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong việc xử lý có hiệu quả các khoản nợ xấu, NHNN đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty VAMC để các đơn vị này thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan (cơ quan công an, tài chính, thuế, tài nguyên môi trường…) và đề nghị Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án tại địa bàn tiếp tục phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với NHNN hoặc cấp có thẩm quyền xử lý; kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ xử lý những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Về chính sách, cần phải sớm thúc đẩy thị trường mua bán nợ chính thức để tăng tính thanh khoản của tài sản. Cùng với đó, cần sớm cho phép thành lập và vận hành những công ty định giá tài sản chuyên nghiệp để tài sản bán đấu giá được định giá sát và đúng với giá thị trường; cơ chế thực hiện bán đấu giá cần được công khai, minh bạch, độc lập và khách quan; quá trình phê duyệt của các cơ quan liên quan phải nhanh gọn, nếu không sẽ làm mất cơ hội của nhà đầu tư cũng như tính khả thi trong việc bán đấu giá tài sản BĐS.

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về các nội dung có liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 42. Các TCTD cần cử cán bộ thực sự nắm rõ các quy định pháp lý trong nợ xấu, thực sự có tâm huyết trong lĩnh vực này; đồng thời tiếp tục chủ động hơn trong phối hợp với các bên có liên quan để xử lý tài sản liên quan đến nợ xấu.

Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự cần có giải pháp cụ thể hay đề xuất cấp có thẩm quyền khẩn trương xử lý vấn đề quá tải của đội ngũ cán bộ thi hành án, ưu tiên tập trung nguồn lực cho thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về nội dung thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

- www.agribank.com.vn

- www.vamc.vn

- www.sbv.gov.vn

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO