Những thành công của Ngân hàng Nhà nước qua góc nhìn các chuyên gia kinh tế

Phạm Hiếu| 08/05/2019 16:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những điểm sáng trong điều hành lãi suất tỷ giá, công tác tái cơ cấu, ngân hàng, xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2018 đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2019 với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với NHNN tổ chức ngày 8/5/2019.

Trong năm 2018, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%. Mặt bằng lãi suất ổn định, thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường ổn định, chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng hiệu quả, vốn ngân hàng tập trung cho sản xuất kinh doanh. Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu có những chuyến biến tích cực. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên nền tảng vững chắc của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, điều hành CSTT tiếp tục chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Võ Trí Thành: Năm 2018, NHNN đã khéo léo đáp ứng thanh khoản và điều hành lãi suất liên ngân hàng để ổn định tỷ giá

Đánh giá về những điểm sáng trong điều hành CSTT của NHNN, TS. Võ Trí Thành nhận định: Từ năm 2012 đến nay, 3 công cụ cơ bản của NHNN là CSTT, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng không chỉ xử lý ngân hàng yếu kém mà áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất đều có bước tiến. Điểm sáng nhất của NHNN được thể hiện qua 2 điểm. Thứ nhất, nhiều năm qua, NHNN đã bơm, hút tiền nhịp nhàng, chính xác hỗ trợ thanh khoản; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hành trái phiếu chính phủ. Điểm đặc biệt, năm 2018, NHNN đã khéo léo đáp ứng thanh khoản và điều hành lãi suất liên ngân hàng để ổn định tỷ giá nhưng không gây ra biến động lãi suất cho vay trên thị trường. “Đây là một cách ứng xử khá khôn ngoan và thông minh”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Thứ hai, là thành viên của Chính phủ nhưng tính độc lập và khả năng tự chủ của NHNN đã được cải thiện nhiều. Năm 2018, Chính phủ đã “ứng xử” với NHNN như một thành viên đặc biệt nhờ tính kiên định mục tiêu và thuyết phục thông qua bám sát diễn biến kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô trong nước, bằng phân tích, nhìn nhận và phản hồi của thị trường. Đây là nền tảng để NHNN có thể làm tốt hơn trong những năm tiếp theo.

Ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC đánh giá: Quá trình ổn định hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều so với vài năm trước đây. Các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam, trong đó nhiều ngân hàng nước ngoài đã và đang muốn mở chi nhánh tại Việt Nam do NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định làm giảm khả năng găm giữ ngoại tệ tạo niềm tin cho thị trường, từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những thành công trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2018 đã góp phần quan trọng nâng hạng tín nhiệm quốc gia qua đánh giá của các tổ chức quốc tế. Tháng 8/2018, Moody’s đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ "ổn định" lên "tích cực" phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cải thiện... Sự tích cực đó đã được duy trì đến thời điểm tháng 11/2018 theo đánh giá của Moody’s. Tháng 5/2018, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”.

Mới đây, ngày 5/4/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên sau 0 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Cùng sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. S&P đánh giá cao tầm quan trọng của NHNN trong điều hành CSTT phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. 

Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại Diễn đàn

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, các tổ chức xếp hạng quốc tế đều nâng hạng tín nhiệm với 5 tiêu chí: tăng trưởng kinh tế; tăng mức thu nhập bình quân đầu người; thể chế; hệ thống tài chính ngân hàng; và một số yếu tố khác như địa chính trị, độ mở nền kinh tế, sức chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài...

Theo TS. Cấn Văn Lực, các tổ chức quốc tế đã đối chiếu 5 tiêu chí trên thì Việt Nam đạt được khoảng 4/5 tiêu chí. Vừa qua, S&P đã đưa ra 4 lý do chính để nâng hạng tín nhiệm Việt Nam: (i) triển vọng kinh tế cả năm 2018 và năm 2019 tốt; (ii) thu nhập bình quân đầu người tăng ở mức 5,7-6%, tức là cao hơn các nước được xếp hạng tương tự Việt Nam; (iv) tài khóa và tiền tệ tiến triển tích cực (tài khóa, S&P đánh giá nợ công trong tầm kiểm soát; với hệ thống ngân hàng, tiền tệ, S&P đánh giá 2 điểm sáng: một là, liên quan đến chính sách điều hành tỷ giá. Tỷ giá của Việt Nam tương đối ổn định trong 3 năm vừa qua. Thứ hai, dự trữ ngoại hối tăng lên tích cực trong thời gian qua và khả năng chuyển đổi VND trong tương lai). Ngoài ra S&P cũng đánh giá 2 yếu tố khác hết sức tích cực là cán cân vãng lai của Việt Nam luôn thặng dư và thu hút đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thành công của Ngân hàng Nhà nước qua góc nhìn các chuyên gia kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO