Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc bùng nổ, gióng lên hồi chuông cảnh báo

Vân Anh| 02/03/2023 08:16
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp Quốc hội thường niên vào tuần tới, một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất mà họ cần phải giải quyết là những khoản nợ nần chồng chất của các tỉnh.

Phần lớn các chính quyền địa phương -  ít nhất 17 trong số 31 - đang phải đối mặt với tình trạng thắt chặt tài chính nghiêm trọng, mà theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức có sẵn thì dư nợ đã vượt quá 120% tổng thu trong năm 2022. Đó là ngưỡng do Bộ Tài chính đặt ra để chỉ ra tình trạng rủi ro nợ cao bất cân đối.

Thiên Tân, một thành phố cấp tỉnh nổi tiếng về hải cảng và sự phát triển quy mô lớn thái quá, đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất, với khoản nợ lớn gần gấp ba lần nguồn thu.

Khủng hoảng tài chính có một số tác động đối với nền kinh tế. Mặc dù khả năng bất kỳ chính quyền địa phương nào sẽ vỡ nợ là hầu như không xảy ra, nhưng mức nợ cao có thể buộc một số địa phương phải giảm quy mô chi tiêu và đẩy chính quyền trung ương chi tiêu nhiều hơn. Điều này cũng có thể khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ lãi suất ở mức thấp để kiểm soát gánh nặng trả nợ cho các tỉnh.

Lisheng Wang, một nhà kinh tế tại Goldman Sachs Group Inc, cho biết: “Mức nợ gia tăng đồng nghĩa với chi phí trả nợ cao hơn đối với chính quyền địa phương và hạn chế dư địa dành cho các gói kích thích tài khóa trong bối cảnh lợi nhuận trên vốn giảm”.

Ông Wang cho biết, PBOC có thể sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách trong năm nay, một phần do nợ chính phủ tăng nhanh, cũng như các lý do khác, chẳng hạn như sự không chắc chắn về triển vọng của nền kinh tế và áp lực lạm phát.

Các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc sẽ nhóm họp từ Chủ nhật tuần này để thông qua các mục tiêu kinh tế quan trọng cho năm 2023, bao gồm quota phát hành trái phiếu địa phương mới, ngân sách và cả quan điểm về chính sách tiền tệ.

Nguồn thu của chính phủ đã bị thu hẹp lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ ít nhất là năm 2012, do sự gián đoạn của đại dịch COVID-19, giá bất động sản sụt giảm và mức giảm thuế kỷ lục, trong khi chi tiêu tăng 3%. Thâm hụt ngân sách đã tăng lên mức kỷ lục, buộc chính phủ phải phát hành ra một số lượng kỷ lục trái phiếu mới để giúp tài trợ cho sự thiếu hụt.

Hầu hết các khoản nợ chính thức trong những năm gần đây ở dạng trái phiếu đặc biệt, chủ yếu nhằm chi trả cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là công cụ chính mà chính phủ sử dụng để tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế khi các động lực tăng trưởng khác như xuất khẩu và tiêu dùng nội địa suy yếu.

Các trái phiếu này được cho là sẽ được hoàn trả bằng thu nhập từ các dự án. Trên thực tế, doanh thu tạo ra không đủ để trả lãi cho các khoản nợ ở bất kỳ tỉnh nào, và chính quyền địa phương ngày càng khó tìm được các dự án đủ điều kiện để sử dụng tiền.

Khoản nợ chưa thanh toán của chính quyền địa phương đã vượt quá 35 nghìn tỷ Nhân dân tệ (5 nghìn tỷ USD) tính đến cuối năm ngoái. Tổng số đó không bao gồm các khoản vay ngoại bảng thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương mà các tỉnh sử dụng để giúp tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của mình. Theo nhà phân tích Yang Yewei của Guosheng Securities Co., khoản nợ “ẩn” này có thể lớn hơn gấp đôi so với nợ chính thức của địa phương.

Khi nợ tăng lên thì gánh nặng trả nợ cho chính quyền địa phương cũng tăng theo. Các địa phương đã hoàn trả 3,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ tiền gốc và lãi trái phiếu trong năm ngoái chỉ bằng khoản nợ chính thức và còn nhiều hơn thế cho các khoản vay không chính thức.

 Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững tài chính và kiểm soát rủi ro nợ địa phương. Điều đó có nghĩa là mặc dù kích thích tài khóa vẫn là cần thiết trong năm nay để giúp nền kinh tế phục hồi, nhưng có thể sự hỗ trợ sẽ ít hơn trước.

Susan Chu, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings cho biết: “Sự giám sát của chính quyền trung ương có thể sẽ dần thắt chặt khi chính quyền địa phương sắp chạm ngưỡng nợ”. “Hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho các doanh nghiệp nhà nước liên kết sẽ ngày càng có chọn lọc.”

Bloomberg News đưa tin, Bắc Kinh đang xem xét đặt hạn ngạch trái phiếu đặc biệt là 3,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm nay, ít hơn so với lượng phát hành thực tế vào năm 2022. Ông Chu cho biết các địa phương mắc nợ nhiều có thể nhận được hạn mức ít hơn.

Các khoản giảm thuế cũng có thể được thu nhỏ lại, với việc Bộ trưởng Tài chính cảnh báo vào đầu tháng này rằng tăng trưởng doanh thu tài chính “sẽ không quá cao” mặc dù cơ sở so sánh thấp với năm ngoái.

Các chính sách thay thế

Một lựa chọn để thu hẹp khoảng cách tài trợ vốn là chính quyền trung ương sẽ vay nhiều hơn và tăng việc chuyển giao cho các khu vực, nhờ đó giảm nhu cầu chính quyền địa phương phải gánh thêm nợ. Các nhà kinh tế đã thúc giục Trung Quốc thực hiện phương pháp này trong nhiều năm vì Bắc Kinh có thể vay với giá rẻ hơn chính quyền địa phương và nhờ thế bảng cân đối kế toán sẽ lành mạnh hơn nhiều.

Chính phủ cũng có thể kêu gọi các ngân hàng chính sách nhà nước, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn, tương tự như khoản đầu tư 740 tỷ Nhân dân tệ đã thực hiện vào năm ngoái theo một trong các chương trình của họ.

Zhang Bin, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã viết trong một ghi chú rằng lãi suất thấp hơn cũng có thể cắt giảm chi phí tài chính cho chính quyền địa phương và cải thiện khả năng chi tiêu của họ. Ông viết, giả sử toàn bộ khoản nợ của khu vực chính phủ là 82 nghìn tỷ Nhân dân tệ, cứ 1 điểm phần trăm cắt giảm lãi suất chính sách có thể làm giảm 160 tỷ Nhân dân tệ các khoản thanh toán lãi vay.

(Nguồn: Bloomberg)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc bùng nổ, gióng lên hồi chuông cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO